Thứ tư, 2/9/2015, 15h36

“Vương quốc” hoa lài

Những ngôi nhà và vườn rau đã dần thay thế hàng ngàn mét vuông lài trước đây

Có giá trị kinh tế cao và đem lại nguồn thu nhập chính cho người nông dân, hoa lài (còn gọi là nhài) từng là giống cây “đặc chủng” của vùng đất ngoại thành như: Q.12, Hóc Môn và Củ Chi, TP.HCM. Thế nhưng gần đây, nghề trồng lài không còn phất như trước nữa mà đang dần lụi tàn và có nguy cơ mai một để lại bao nuối tiếc…

Nếu trước đây đến với vùng đất chuyên trồng lài có một không hai trên mọi miền đất nước này, những cánh đồng hoa lài lấm chấm điểm trắng trên mảng xanh chạy ngút ngàn… thì bây giờ tất cả đã lùi xa vào dĩ vãng.

Vườn xưa trôi vào quá khứ

Con đường số 3 dẫn chúng tôi vào nhà anh Lê Hoàng Giang - chủ vườn mai ở khu phố 3C, phường Thạnh Lộc (Q.12) vẫn không có gì khác so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên cảnh vật hai bên đường đã hoàn toàn thay đổi với những ngôi nhà mới mọc lên bên những vườn mai kiểng xanh rờn. Căn nhà cấp 4 đã được thay thế bằng tòa nhà 2 tầng rộng, hoành tráng… Đúng như lời giới thiệu của một cán bộ UBND phường Thạnh Lộc, nguyên một vườn lài rộng gần 10.000m2 của anh Giang đã bị “xóa sổ” thay vào đó là những gốc mai kiểng. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý nhắc lại câu chuyện trồng lài trước đây, anh Giang tỏ vẻ ngạc nhiên: “Nhiều năm nay bà con nông dân mấy huyện ngoại thành ở đây có ai trồng nữa đâu mà nói chuyện cây lài hả anh?”.

Quả đúng như tâm sự của người đàn ông một thời phất lên nhờ hoa lài, dọc đường đi những vườn lài trước đây đã không còn nữa. Hỏi các “lão nông tri điền” ở đây thì hầu như loài cây này giờ đã trở thành ký ức một thời của bà con nông dân vùng ven đô. Đứng vuốt ve một bụi lài còn sót lại trong vườn, anh Giang ngậm ngùi: “Tôi có 3 mảnh vườn đều do ông bà để lại diện tích gần 10.000m2 bắt đầu trồng lài từ năm 1990. Trước đó do bông lài được giá nên cả vùng này nhà nào cũng có vài trăm mét vuông đất trồng lài. Đây là thời kỳ cây lài “lên ngôi” gần như chiếm địa vị độc tôn không loại cây, con nào vượt qua được nó trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi mùa lài rộ bông hái không kịp chủ vườn phải huy động nhân lực trong nhà thu hoạch. Nhà nào trồng nhiều thì phải thuê mướn nhân công bên ngoài”.

Nhắc lại chuyện cũ, ông Lê Thế Hùng (ngụ KP.1, phường Thạnh  Xuân, Q.12) vẫn không quên thời kỳ “vàng son” của cây lài: “Sáng ngủ dậy ra vườn lài nhìn là thấy đã con mắt vì bông nở trắng nhưng sướng nhất là lúc hái đến mức không biết mỏi tay vì có bao nhiêu thương lái đến tận nhà gom hết. Vui nhất là mấy ngày cận Tết, dù bận túi bụi nhưng gặp lài trổ bông đồng loạt thì ai cũng phải mang dụng cụ ra vườn hái bông. Thương lái muốn có hàng phải đặt cọc trước. Tết nhất họ còn mang quà đến biếu xén để “giữ mối”. Cánh nông dân làm chủ vườn lài hồi đó ai cũng “sang chảnh”.

Cây bỏ người hay người phụ cây 

Vẫn còn nhớ, thời kỳ nhà nhà trồng lài ở vùng đất ven đô bên bờ hữu ngạn sông Sài Gòn này, chúng tôi đã từng được ông Võ Văn Vàng (nguyên Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc) dẫn đi thăm một số chủ hộ trồng lài với những mảnh vườn bạt ngàn hoa màu trắng. Ông Vàng tâm đắc: “Cũng nhờ cây lài mà đời sống người dân ở đây đã thoát khỏi cảnh nghèo khó tạm bợ. Thay vào đó là những ngôi nhà tầng khang trang đầy đủ tiện nghi như xe máy, ti vi và các loại vật dụng cao cấp khác”. Trong đó nổi lên “đại gia” Bùi Hoàng Long với 3 - 4ha lài. Cũng là người bỏ ra nhiều vốn kinh doanh và giỏi kỹ thuật nên ông Long được bầu làm Tổ trưởng Tổ trồng lài của phường Thạnh Lộc. Thế nhưng toàn bộ vườn lài của gia đình ông Long giờ cũng chung cảnh ngộ bị… “xóa sổ”. Đó cũng là số phận của vườn lài ông Huỳnh Văn Đặng - nguyên là Tổ trưởng trồng lài ở phường An Phú Đông cùng Q.12.  

Anh Lê Hoàng Giang - chủ vườn mai ở khu phố 3C, phường Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM) đứng giữa những gốc mai mà vẫn còn tiếc nuối vườn lài gần 10 năm về trước

Theo báo cáo của Hội Nông dân các phường/xã như Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông (Q.12), Nhị Bình, Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), trước năm 2000 có khoảng 70 đến 80% hộ dân ở đây trồng lài nên đời sống phất lên. Thế nhưng sau “cột mốc” năm 2000 tất cả diện tích bắt đầu thu hẹp lại. May ra mỗi phường/xã hiện nay chỉ có vài hộ dân còn sót lại vẫn “thủy chung” với loài hoa đã một thời đưa họ đến giàu sang, phú quý.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao nghề trồng lài ở đây đã dần bị mai một và đang có nguy cơ lụi dần? Ông Lê Thành Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thạnh Lộc - cho hay: Ngoài làm thuốc, hoa lài còn được sử dụng làm hương liệu ướp trà. Cho đến thời điểm này bông lài vẫn có giá và có nhiều thương lái hỏi mua nhất là Công ty Thực phẩm Cầu Tre nhưng người dân không đủ hàng để cung cấp do khan hiếm dần. “Nếu trước đây bà con tưới lài bằng nước từ ngoài sông chảy len lỏi vào từng con rạch thì nay tất cả đã bị ô nhiễm trầm trọng. Mặt khác cây lài có tuổi thọ trong vòng 10 năm trở lại không chịu đất cũ nên dễ bị cằn cỗi”, ông Hiếu lý giải. Có lẽ đây là nguyên nhân chung nhất của nhiều chủ vườn mà chúng tôi đã gặp ở vùng đất một thời được truyền thông đặt cho là “vương quốc” hoa lài. Nguồn nước thải bị ô nhiễm từ các khu dân cư và khu công nghiệp đã trở thành kẻ thù của các giống cây trồng ở vùng nông thôn ngoại thành trong đó có cây lài cũng chịu chung số phận.

Mời khách chung trà trong vườn cây kiểng trên nền đất trồng lài 10 năm cũ, ông Trần Văn Lộc (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) xót xa: “Nhiều đêm tôi vẫn thấy mình đi hái bông lài trong giấc mơ. Trước đây trà thơm được ướp từ cây lài vùng đất này nay bà con nơi đây phải uống trà ướp lài trồng từ Bến Tre, Sóc Trăng. Nghĩ thật đắng lòng”. Ông Lê Thế Hùng lại triết lý hơn: “Đừng trách cây lài vì nó không có tội, chính con người ta bỏ nó chứ nó có bỏ mình đâu. Ước gì đất vẫn như xưa”.

Trên đường về, tôi chợt nghe bài hát từ nhà ai đó cất lên văng vẳng: “Đường phố muôn màu sao thiếu em…”. Tôi bỗng liên tưởng phải chăng đó chính là nỗi hoài niệm của những chủ vườn lài một thời “vàng son” đã qua đi và khó bao giờ trở lại.

Phan Ngọc Quang