Thứ ba, 10/1/2017, 21h14

Xà phòng từ trái bồ hòn

Việc sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống không còn mới nhưng chiết xuất nó như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu vẫn còn nhiều điều trăn trở...

Tuấn Khải và Gia Đạt bàn bạc các phương pháp chiết tách saponin từ trái bồ hòn

Từ ý nghĩ đó, hai học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) là Phan Gia Đạt và Phan Tuấn Khải đã thực hiện thành công đề tài “Nâng cao hiệu quả chiết tách saponin từ quả bồ hòn” cho mục đích tạo chất giặt rửa thiên nhiên. Đề tài trên xuất sắc đứng vị trí thứ nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp thành phố. Gia Đạt nói: “Thành công ở cuộc thi là một chuyện, nhưng hơn thế, cái đích của chúng em hướng đến vẫn là làm ra sản phẩm thiên nhiên bằng phương pháp tối ưu nhất để giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn phù hợp cho cuộc sống xanh, bảo vệ môi trường”.

Gia Đạt cho hay, thường ngày em chứng kiến rất nhiều người dân sử dụng chất tẩy rửa gia dụng, nhất là trong giặt giũ áo quần, gần như đa phần các gia đình sử dụng bột giặt công nghiệp. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Trong khi đó các loại quả từ thiên nhiên như quả bồ hòn có rất nhiều ở Việt Nam, từ lâu đã được người dân sử dụng thay thế bột giặt. Tuy nhiên, để đưa ra thị trường cần có phương pháp chiết tách chất saponin từ quả bồ hòn và cách thức cất giữ chúng lâu nhất. Ý tưởng chế tạo chất giặt rửa có thành phần hoàn toàn thiên nhiên xuất phát từ đó.

Thí nghiệm được thực hiện trong cồn - nước tạo ra saponin với hàm lượng bọt cao

Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thử nghiệm, Tuấn Khải và Gia Đạt đưa ra kết luận: chất saponin được chiết tách tốt nhất trong môi trường cồn - nước. Tuấn Khải cho biết, ban đầu nhóm sử dụng hai dung môi n-hexan và cloroform nhưng gần như không hiệu quả. Việc chiết saponin bằng nước khiến phần thịt hạt được chiết nhanh bị vữa ra dẫn đến việc lẫn theo rất nhiều tạp chất như protein làm cho sản phẩm mau bị ôi thiu hơn. Trong khi đó việc chiết bằng cồn lại không bị như trên nhưng khả năng chiết kém hơn nước. Vì vậy nhóm rút ra kết luận là dung dịch chiết tối ưu sẽ nằm trong hệ cồn - nước.

“Mục tiêu của chúng em là chứng minh được thành phần sau khi chiết. Cụ thể, sau thử nghiệm chúng em rút ra kết luận về hiệu suất, cách chiết tách saponin tối ưu: hàm lượng saponin cao mà lại lẫn ít tạp chất. Hiệu quả giặt rửa của sản phẩm sau chiết tách gồm các tiêu chí của một chất giặt rửa như khả năng giảm sức căng bề mặt của nước; khả năng tạo bọt cao; khả năng giặt rửa chất bẩn… Bên cạnh đó, chúng em còn tìm được phụ gia thích hợp là tinh dầu bưởi để thêm vào sản phẩm sau cùng. Dung dịch saponin còn có khả năng tăng độ thấm nước cho vải và có khả năng giặt rửa ngang với bột giặt thông thường. Điều đặc biệt là dung dịch giặt rửa saponin trung tính, an toàn cho da và có thể dùng để giặt đồ cho trẻ sơ sinh. Một điểm đáng chú ý khác là bồ hòn còn tồn tại chất đuổi muỗi. Dung dịch bồ hòn sau chiết vẫn có khả năng đuổi muỗi, giúp áo quần sau khi giặt tránh được muỗi”, Tuấn Khải nói.

Nghiên cứu của nhóm không dừng lại ở mức chiết tách, đánh giá khả năng giặt rửa của saponin mà tiến hành hoàn thiện, chế tạo được chất giặt rửa thiên nhiên sau cùng. Giá thành lại không quá cao so với bột giặt công nghiệp.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên