Thứ ba, 14/3/2017, 22h40

Xâm hại trẻ em, nỗi đau dai dẳng

Những ngày qua, nhiều phương tiện truyền thông lên tiếng báo động về tình trạng xâm hại, dâm ô trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng đã có yêu cầu ngành công an, kiểm sát vào cuộc điều tra, sớm làm rõ và có kết luận về các vụ việc mà truyền thông phản ánh.

Vâng. Tình trạng xâm hại, dâm ô với trẻ em làm phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án về việc cháu T.Y.N, 8 tuổi, trú Q.Hoàng Mai, Hà Nội, có dấu hiệu bị xâm hại. Theo mẹ cháu, buổi tối cháu N. thường qua nhà người bác chơi với các cháu trong xóm. Tại đây, ông C.V.H ở gần nhà đã có hành vi xâm hại cháu.

Trước đó, Công an TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã khởi tố vụ án dâm ô đối với trẻ em xảy ra tại phường Nguyễn An Ninh. Theo lời chị T.T.T.T, ngụ phường Nguyễn An Ninh, ông N.K.T, 76 tuổi, ngụ tại một chung cư ở TP.Vũng Tàu, đã có hành vi dâm ô với con gái chị mới 8 tuổi. Chị cho biết, cháu bị dâm ô trong thời gian nghỉ hè ở nhà một mình, còn chị đi làm. Công an TP.Vũng Tàu đã vào cuộc điều tra thì phát hiện sáu cháu bé khác cũng được cho là từng bị ông N.K.T dâm ô.

Cũng mới đây, truyền thông đưa tin vụ bé N., học sinh lớp 1 Trường Tiểu học L.T.V, Q.Thủ Đức, TP.HCM nghi bị xâm hại. Theo lời bà T.T.M.C, mẹ bé N., cháu học bán trú, trưa ở lại ăn cơm tại trường. Hôm đó, cháu đi học về, bà phát hiện quần bé có dính máu nên gặng hỏi. Bé kể bị một chú trong trường xâm hại. Sau đó, bà đưa cháu đến bệnh viện khám và bác sĩ nói bé có dấu hiệu bị xâm hại. Hiện vụ việc đang có nhiều thông tin trái chiều, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra.

Có thể kể ra thêm nhiều câu chuyện về tình trạng các bé gái bị lạm dụng, xâm hại. Còn nhớ trong buổi gặp lãnh đạo TP.HCM hồi tháng 2 vừa qua, nhiều em học sinh cũng nêu vấn đề quấy rối trong trường học, làm nhiều bạn sợ khi đến trường hoặc phải nghỉ học.

Theo một số liệu thống kê trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 1.000 vụ được ghi nhận, cứ 8 giờ lại có thêm một trẻ bị xâm hại tình dục. Chỉ tính riêng trong năm 2016, TP.HCM có tới gần 100 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Cũng theo các cơ quan chức năng, sau khi bị lạm dụng, quấy rối thì hầu hết các vụ kiện đều mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng kết quả thường không như mong đợi. Nhiều vụ bị “chìm xuồng” không lý do hoặc chỉ bị xử lý theo hướng giảm nhẹ. Các vụ kiện vì vậy càng kéo dài thêm nỗi đau của gia đình nạn nhân. Sở dĩ có tình trạng này là do quan niệm của nhiều gia đình, của xã hội ở nước ta đến nay vẫn cho rằng “đó là chuyện xấu hổ trong nhà, vinh dự gì mà lại khoe ra”. Quan niệm này ít nhiều ảnh hưởng đến một số cán bộ thực thi pháp luật nên cũng dễ hiểu khi có không ít vụ việc bị “chìm xuồng” hoặc xử nhẹ.

Rõ ràng là cần phải có thêm nhiều chiến dịch truyền thông nữa để đả phá quan niệm sai lầm tai hại này. Vừa qua, sự lên tiếng của Chủ tịch nước và Phó Thủ tướng là một lời nhắc nhở rất cần thiết để các cơ quan thực thi pháp luật nhìn lại và làm tốt nhiệm vụ của mình.

Mặt khác, từ kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy để hạn chế nguy cơ trẻ bị xâm hại cần phải lấy mục tiêu phòng ngừa là trên hết. Với phụ huynh, cần phải tuyên truyền rộng rãi, nâng cao cảnh giác để họ thấy rằng đây là một việc quan trọng đối với con em họ. Ngoài ra cũng cần trang bị một số kiến thức cần thiết tự phòng ngừa cho trẻ em. Đối với nhà trường, lãnh đạo cần quan tâm phân công người, trang bị phương tiện giám sát thường xuyên hoạt động của học sinh trong nhà trường; tổ chức sinh hoạt chuyên đề về vấn đề này không chỉ cho học sinh mà cả giáo viên; tuyển thêm giáo viên tâm lý... Điều rất mừng là ở TP.HCM, đến nay hầu hết các trường THPT đều đã có phòng tư vấn tâm lý học sinh.

Từ Nguyên Thạch