Thứ tư, 11/11/2015, 08h02

Xây dựng hệ thống giáo dục mở

Vừa qua, 3 tổ chức là Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đã có kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và cơ chế phân luồng học sinh, sinh viên.

Nói về quan điểm khi đưa ra ý kiến này, PGS. Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: Trước khi bàn về chương trình tổng thể, phải có cấu trúc toàn bộ hệ thống giáo dục. Giống như xây một cái nhà, phải có cấu trúc toàn bộ ngôi nhà rồi mới vẽ ra tầng 1, tầng 2... Do đó, 3 tổ chức mới đề nghị Chính phủ cho thiết kế cấu trúc toàn thể hệ thống giáo dục quốc dân, rồi mới tính đến chương trình tổng thể.

PGS. Nhĩ cũng cho biết thêm  theo hệ thống cũ, giáo dục Việt Nam phân luồng thẳng, học hết mầm non lên tiểu học, hết tiểu học lên THCS, hết THCS lên THPT và hết THPT lên ĐH. Tuy nhiên, theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết 29 và theo xu hướng quốc tế, 3 tổ chức đề nghị toàn bộ kiến thức phổ thông phải hoàn thành ở THCS. Do đó, 3 tổ chức đề nghị sau THCS phải phân thành 4 luồng: THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Giữa các luồng này có sự liên hệ mềm dẻo. Còn trong chương trình tổng thể của Bộ GD-ĐT đưa ra chỉ có  định hướng nghề nghiệp, không có phân luồng. Ông Nhĩ cũng khẳng định trong đào tạo nhân lực hiện nay, khâu yếu nhất của chúng ta là không thể phân luồng. “Tôi hy vọng kiến nghị của mình được chấp nhận. Vì vừa qua, Hội đồng giáo dục quốc gia có họp và nói tiếp tục tiếp thu và điều chỉnh” - PGS. Nhĩ chia sẻ.

Trước đó, theo kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, 3 tổ chức cho rằng để chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thật sự hữu ích thì Bộ GD-ĐT không chỉ phải tham khảo nghiêm túc các kinh nghiệm của Việt Nam thuộc các thời kỳ trước đây cũng như những kinh nghiệm của thế giới, mà trước hết phải bám sát cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được tái cấu trúc (cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết TW 29). Tuy nhiên có một thực tế là cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay hoàn toàn không đáp ứng được hàng loạt các định hướng quan trọng trong Nghị quyết TW 29 như: Xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực hiện phân luồng triệt để học sinh sau THCS, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, bảo đảm hội nhập quốc tế về khung trình độ… Do đó, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam nhất trí kiến nghị Thủ tướng chỉ ký ban hành “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” sau khi cơ cấu mới của hệ thống giáo dục quốc dân được phê chuẩn. Việc sớm ban hành “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” trong khi cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa được chỉnh sửa như kế hoạch của Bộ GD-ĐT là một động tác nửa vời, không mang tính “đổi mới cơ bản và toàn diện” và sẽ gây nhiều tổn thất tiền của của Nhà nước và người dân.

Thiên Lam