Thứ ba, 28/2/2017, 21h30

Xây dựng kỹ năng tự giữ an toàn cho trẻ tuổi mẫu giáo

Vui chơi là hoạt động chủ đạo và cũng là cơ hội để trẻ tuổi mẫu giáo (từ 3-5 tuổi) khám phá thế giới xung quanh. Trên cơ sở đó, sẽ giúp trẻ phát triển khả năng nhận thức của mình đồng thời hình thành nhiều kỹ năng sống quan trọng.

Cô giáo và cha mẹ cần dạy bé ứng xử linh hoạt, nhanh trí (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Làm cha mẹ, ai cũng muốn cho trẻ tự do chạy nhảy và khám phá thế giới. Tuy nhiên, những nỗi lo về sự an toàn vẫn khiến không ít ông bố bà mẹ luôn lo ngại khi cho trẻ tự do bước ra ngoài. Kỹ năng tự giữ an toàn là khả năng trẻ biết nhận diện được và tránh xa những nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân và có khả năng xử lý trong những tình huống bất lợi để tạo cho bản thân sự bình an.

Khi có kỹ năng tự giữ an toàn, trẻ sẽ phân biệt được những mối nguy hiểm từ những vật dụng quen thuộc xung quanh mình, những trò chơi bé vẫn thường chơi, những tình huống bé thường gặp, giúp bé biết được những nơi bé có thể gặp nguy hiểm. Đồng thời giúp bé có kỹ năng tự xoay xở tự giải quyết khi không có người lớn ở bên cạnh. Nhưng, để có sự an toàn thì trẻ cần có sự trang bị và rèn luyện một cách bài bản, có hệ thống. Đề phòng để những nguy hiểm xảy ra, đồng thời phải rèn luyện cho mình khả năng nhận diện và tránh xa những nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân và có kỹ năng giải quyết các bất lợi đó để bảo đảm cho bản thân được an toàn.

Hình thành một số kỹ năng phổ biến cho trẻ mẫu giáo

- Dạy trẻ thói quen không được tự ý uống thuốc: Giúp bé nhận thức không được tự tiện uống thuốc khi không có sự chỉ dẫn của bác sĩ, cha mẹ. Dạy trẻ không nên tự lấy thuốc và uống, nhất là khi không biết chính xác loại thuốc cần dùng. Chỉ khi nào thuốc mẹ đã để sẵn thì mới được uống.

- Dạy bé ứng xử linh hoạt, nhanh trí: Giúp trẻ biết cách xử lý những tình huống khi ở nhà một mình hoặc gặp người lạ ngoài đường. Khi tiếp xúc với người lạ, bé hãy đứng ở một khoảng cách an toàn (cách cửa khoảng 2m) để trả lời và tuyệt đối không được mở cửa cho người lạ vào nhà, kể cả người quen, hàng xóm, nhân viên thu tiền điện thoại... bé hãy nhanh miệng yêu cầu họ nhắn lại hoặc hẹn tối đến gặp ba mẹ. Nếu thấy họ nhất quyết không chịu đi và nài nỉ được vào nhà thì bé hãy gọi điện cho bố mẹ, hàng xóm, người thân để hỏi ý kiến. Bé hãy nhớ là đừng đứng gần và nói chuyện lâu với người lạ. 

Kỹ năng tự giữ an toàn ở trẻ sẽ có được trong cuộc sống

Trẻ bước đầu biết nhận diện được những nguy hiểm có thể có từ những vật dụng thông thường và biết tránh xa những vật dụng đó như: Điện; lửa; nước sôi và các vật dụng chứa nước như xô, chậu; dao, kéo, ly, cốc uống nước, đồ chơi, các vật dụng dễ vỡ; thuốc uống và các hóa chất; vật nuôi. Đồng thời trẻ biết nhận diện và tránh xa những nơi có thể gây nguy hiểm như: những nơi vắng vẻ như công trường bỏ hoang, đồi vắng, bãi đất trống, ao, hồ, sông, suối, cây cao, miệng cống, hố ga... Trẻ cũng dần biết được nguy cơ không an toàn khi ăn uống: Cười đùa trong khi ăn, uống sẽ dễ bị sặc, hóc thức ăn hoặc khi ăn các loại quả có hạt; tự ý uống thuốc; ăn các loại thức ăn có mùi ôi, ăn lá, quả lạ sẽ bị đau bụng thậm chí có hại cho sức khỏe, tính mạng. Biết được cách diễn đạt họ và tên của mình và người thân, địa chỉ nhà mình, số điện thoại của người thân khi được hỏi. Trẻ đã biết tự giác thực hiện một số quy định ở trường, nơi công cộng về an toàn: Không trêu, dọa cháy, cướp… ở nơi tập trung đông người; không tự ý đi chơi; đi bộ trên vỉa hè; đi sang đường phải có người lớn dắt; đội mũ an toàn khi ngồi trên xe máy; biết ý nghĩa và có ý thức thực hiện theo quy định của một số biển báo giao thông.

Qua các câu chuyện từ những tình huống có thật kể cho bé nghe, cho bé chứng kiến, trải nghiệm, cha mẹ sẽ gợi ý để trẻ tự suy nghĩ và trả lời. Sau đó có sự chính xác hóa lại câu trả lời của bé cho đúng… Cứ như vậy dần dần giúp trẻ nhận diện được các tình huống gây nguy hiểm đồng thời biết cách giải quyết các tình huống đó nhằm tự bảo vệ và đem lại sự an toàn cho bản thân và cả bạn bè cùng trang lứa.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)