Thứ hai, 5/11/2012, 15h11

Xây dựng môi trường học tập phù hợp

Học sinh phải được học tập trong môi trường giáo dục đầy ắp tình yêu thương. Ảnh: N.Trinh 

Trong giáo dục trẻ, chúng ta vẫn thường nhắc đến những phương châm như: “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Hãy dành tất cả những gì tốt nhất cho trẻ”... Tuy nhiên, môi trường đó phải như thế nào mới phù hợp với trẻ?
Các bậc phụ huynh thường đòi hỏi con mình phải học và biết thật nhiều. Thậm chí có nhiều bà mẹ còn tìm kiếm những loại thuốc bổ, món ăn giàu chất dinh dưỡng để giúp trẻ thông minh, học giỏi. Liệu rằng, sự quan tâm như vậy có giúp trẻ mau chóng chiếm lĩnh được đỉnh cao tri thức của nhân loại không? Câu trả lời rằng: Trong tất cả sự quan tâm mà cha mẹ dành cho con, cần nhất đó là môi trường sống và học tập an toàn để các em có thể phát huy được tối đa những năng lực và sở trường của mình.
Thực ra, thuật ngữ “lấy học sinh làm trung tâm” có liên hệ với các thuật ngữ giáo dục: Phù hợp về mặt văn hóa, tương thích về mặt văn hóa và có liên quan về mặt văn hóa. Điều đó có nghĩa là các em học sinh chịu ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường mà các em đang sống. Có hai môi trường sống. Thứ nhất là môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Là nơi học sinh thực hiện các tương tác với giáo viên, chuyên gia, người lớn, tư liệu học tập... để thu thập thông tin và thể hiện, khẳng định mình. Thứ hai là môi trường bên trong (nội tâm), là nơi người học thu thập, xử lí và tổng hợp thông tin, đề ra quyết định, cách giải quyết vấn đề. Hai môi trường này có liên hệ mật thiết và tương tác với nhau. Mức độ tương tác giữa hai môi trường trên quyết định chất lượng giáo dục nhân cách của học sinh.
1. Xây dựng môi trường sống và học tập phải xuất phát từ nhu cầu của trẻ. Bác Hồ đã dạy: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Vì vậy, để giáo dục trẻ được tốt, cần quan tâm đến việc xây dựng môi trường học tập, vui chơi cho các em. Hiện nay ở các đô thị, do không gian sống chật hẹp, trẻ em thường sống trong môi trường “nuôi nhốt”. Do đó trẻ không có điều kiện được tìm hiểu khám phá thiên nhiên. Vì vậy mà vốn sống của các em rất nghèo nàn, hạn chế. Chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy một học sinh lớp 5 không biết vỏ trấu là gì hay loài gà thường ăn gì? Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng khi quy hoạch các khu đô thị, người ta thường không quan tâm đến việc xây vườn trẻ hay không gian sinh hoạt cộng đồng thì sẽ hiểu tại sao trẻ em lại “đói” thông tin trong một thế giới “tràn ngập” thông tin như thế. Môi trường gia đình, nhà trường, xã hội và môi trường nội tâm tạo thành một hệ thống khép kín, bổ sung hỗ trợ cho hoạt động nhận thức tích cực của trẻ. Tuy nhiên, thời gian tuổi thơ của trẻ thường bị “tước đoạt” bởi những buổi học thêm tẻ nhạt, căng thẳng. Hiện nay, hầu hết học sinh ở thành thị không có kì nghỉ hè theo đúng nghĩa. Thời gian nghỉ hè để các em được tham gia các hoạt động xã hội cộng đồng, rèn luyện các kĩ năng sống thường bị chiếm bởi các buổi học thêm mà ngay bản thân các nhà sư phạm cũng nghi ngờ về tính hiệu quả của nó. Ngoài ra, các trò chơi điện tử, phim ảnh, ca nhạc (chủ yếu dành cho người lớn) lại nhan nhản xuất hiện trên truyền hình, internet khiến trẻ bị cuốn vào trong một thế giới ảo.
2. Hậu quả của việc chưa quan tâm đúng mức đến môi trường sống, học tập của trẻ đã ngày càng bộc lộ rõ. Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến nhất: Đầu tiên là chuyện  học sinh có biểu hiện “già trước tuổi”. Hiện nay, học sinh thường không hát những bài hát thiếu nhi mà lại thuộc rất nhiều ca khúc dành cho người lớn. Ngoài ra, học sinh ngày càng ít được tham gia các hoạt động như lao động xây dựng vườn trường; thu gom vỏ chai, giấy báo cũ... để gây quỹ ủng hộ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Thay vào đó, các bậc cha mẹ thường cho trẻ tiền để nộp. Việc làm này có nhiều tiện lợi cho phía nhà trường, cha mẹ và bản thân học sinh. Tuy nhiên, nó lại tước đoạt đi của trẻ cơ hội được trải nghiệm, để nhận thức giá trị quý báu của lao động. Thiếu môi trường sống và học tập lành mạnh cũng khiến hiện tượng bạo lực học đường, biểu hiện lệch lạc về tâm sinh lí của một bộ phận học sinh có chiều hướng gia tăng. Mối nguy hại thì đã rõ nhưng xã hội chưa có biện pháp hữu hiệu để giảm bớt. Có những sự việc mà khi xảy ra rồi, thầy cô và cha mẹ học sinh mới biết. Chứng tỏ, gia đình và nhà trường vẫn có lúc chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục, đặc biệt là giáo dục kĩ năng và giá trị sống cho trẻ.
3. Rõ ràng là môi trường văn hóa và môi trường nội tâm của trẻ đã thiếu đi những điều kiện cần thiết để có thể thực hiện tốt mục tiêu “trồng người”. Môi trường đó đang bị xói mòn, bị “sa mạc hóa”. Vì vậy, đã đến lúc cần thiết xây dựng môi trường sống, môi trường học tập sao cho trẻ cảm thấy yên tâm, thoải mái, được khẳng định mình.
Khi học sinh được hòa mình trong môi trường sống nhân văn, gắn kết với tự nhiên và cộng đồng, được là chính mình thì đấy mới có thể là điểm khởi đầu cho một nền giáo dục chân chính. Để xây dựng môi trường như thế, bản thân các em không thể tự làm được. Trách nhiệm đó thuộc về gia đình, nhà trường và cả xã hội.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)