Thứ bảy, 25/2/2017, 08h12

Xây dựng ngành y tế TP.HCM: Ngang hàng với các nước phát triển

Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955/ 27-2-2017), cuối tuần qua, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã có buổi gặp gỡ các thầy thuốc tiêu biểu. Theo đó có hơn 300 thầy thuốc tham dự...

Tại buổi gặp mặt, nhiều y bác sĩ mong ước “Ngành y của TP phải ngang hàng với các nước phát triển”. Từ mong ước này, đội ngũ y bác sĩ TP đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết...

“Xây dựng đội ngũ bác sĩ đạt tiêu chuẩn châu Âu”

GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, năm 2016, ngành y tế TP đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong năm 2017, ngành y tế TP tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện (BV), đồng thời phát triển các khoa vệ tinh của các BV chuyên khoa đang quá tải; hoàn chỉnh mạng lưới cấp cứu 115; đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các BV theo định hướng xây dựng BV thông minh…

Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm y tế của khu vực Đông Nam Á sau năm 2020, ngành y tế TP sẽ tập trung vào hai mũi nhọn - y tế cơ sở và y tế chuyên sâu. Theo đó, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ngành y tế TP cũng tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ bác sĩ. Theo đó đã có những lộ trình, kế hoạch cụ thể như đưa bác sĩ đi đào tạo ở nước ngoài, chương trình đào tạo bác sĩ 9-10 năm theo mô hình 6 năm ĐH và 3-4 năm chuyên khoa sau ĐH. Đảm bảo chất lượng của đội ngũ bác sĩ tương đương với các nước trong khu vực. Phát triển đội ngũ chuyên gia về các chuyên khoa sâu, gửi đi học tiếp ở các quốc gia phát triển 6-12 tháng.

Tại TP, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hợp tác đào tạo với ĐH Mainz (Đức) đào tạo theo chương trình y khoa của Đức. Sau 6 năm sẽ thi tương đương bằng bác sĩ của Đức và được học tiếp 5 năm chuyên khoa sau ĐH tại viện - trường của Đức. Đây là đội ngũ bác sĩ đạt tiêu chuẩn châu Âu cho TP trong tương lai.

Mở trường ĐH y dạy chương trình nước ngoài

AHLĐ, TTND, GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng

AHLĐ, TTND, GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP, nguyên Giám đốc BV Từ Dũ - cho rằng: TP cần mở một ĐH y theo mô hình xã hội hóa có quy mô xứng tầm, có đầy đủ cơ sở học tập, thực hành, chương trình dạy ở nước ngoài phù hợp với Việt Nam, phù hợp với tầm cao ở thế giới để giảng dạy sinh viên. Ngành y tế TP cũng phải mời chuyên gia giỏi ở nước ngoài về giảng dạy cho sinh viên và đội ngũ y bác sĩ; cho cán bộ y tế ra nước ngoài học tập kinh nghiệm cũng như nâng cao tay nghề.

BS Phượng đề xuất: “TP cần đầu tư thêm một trường ĐH y đạt tiêu chuẩn quốc tế ở khu vực Cần Giờ. Tôi tin chỉ vài ngàn tỷ, chắc chắn TP sẽ làm được với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các bác sĩ đầu ngành của TP cũng có thể chung tay góp sức, hỗ trợ để ngành y của TP phát triển”.

“Cần xây nhà lưu trú cho thân nhân người bệnh”

TS.BS Phạm Xuân Dũng - Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM
Tham dự và phát biểu tại đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Thường vụ Thành ủy trân trọng ghi nhận và tri ân những đóng góp trí tuệ, công sức của đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, y, bác sĩ, dược sĩ TP. Lãnh đạo TP thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với nhiều trở ngại mà các thầy thuốc phải vượt qua mỗi ngày để làm tròn bổn phận của mình. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình nhằm đáp ứng ở mức tốt nhất những điều kiện cần và đủ để đội ngũ thầy thuốc có thể toàn tâm hành nghề”.

TS.BS Phạm Xuân Dũng - Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM - cho biết, hàng năm đơn vị khám và điều trị cho 30.000 bệnh nhân ung thư, trong đó có 75% từ các tỉnh. Riêng TP, mỗi năm có 5.000-5.500 ca ung thư mới. Số bệnh nhân ung thư đến điều trị tại BV Ung bướu TP tăng 10% mỗi năm. BV luôn trong tình trạng quá tải, hiện BV chỉ có trên 800 giường bệnh nhưng phải điều trị cho 1.300 bệnh nhân. Dù là BV điều trị ung thư lớn nhất khu vực phía Nam nhưng hiện cơ sở xuống cấp, trang thiết bị không đủ và cũ - máy mới nhất đã mua cách đây 5 năm. Rất mong lãnh đạo TP quan tâm hơn...

Chia sẻ gánh nặng với bệnh nhân và gia đình người bệnh, BS Dũng cho biết, chi phí điều trị một ca ung thư lên tới vài trăm triệu đồng là gánh nặng cho bệnh nhân. Với việc xây dựng cơ sở 2 của BV tại Q.9, TP cần có đề án xây dựng nhà lưu trú nhằm hỗ trợ nơi ăn nghỉ cho thân nhân bệnh nhân ở các địa phương khác đến TP.HCM chăm bệnh. Bởi việc nhiều thân nhân người bệnh phải ở lại TP lâu dài để chăm người bệnh, có nhiều người nghèo, tiền điều trị cho người bệnh đã khó thì lấy đâu ra tiền để thuê phòng trọ nên họ phải nằm ngoài hành lang BV khiến BV vốn đã chật chội, quá tải lại càng ngột ngạt hơn.

Lê Quang Huy