Thứ bảy, 24/6/2017, 20h56

Xây dựng nhà trường tự chủ

Nhà trường tự chủ là vấn đề không mới, nhưng thực tế vẫn có một số đơn vị lúng túng và gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh (Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Trường THCS, THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ, TP.HCM) xung quanh vấn đề này.

Theo TS. Huỳnh Công Minh, nhà trường tự chủ tốt là nhà trường thực hiện tốt cơ chế hoạt động theo quy định, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ năm học đề ra (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

- TS. Huỳnh Công Minh nói: Giáo dục ĐH đã một thời thực hiện chế độ tự trị, hiện nay đang nỗ lực thực hiện tự chủ theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Giáo dục phổ thông, hơn 10 năm qua thực hiện tự chủ theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQCP của Chính phủ, chuyển đổi cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, về chuyên môn và về tài chính. Với Nghị định 43/2006/NĐCP, các cơ sở sự nghiệp nói chung và trường học nói riêng được phát huy tinh thần tự chủ, tổ chức lực lượng, đổi mới chuyên môn và cơ cấu đầu tư tài chính để phát triển đơn vị một cách mạnh mẽ, phục vụ tốt con em nhân dân, không thụ động, đợi chờ làm chậm bước tiến so với thời đại và xu thế đổi mới ngày nay.

Ông có thể nói rõ hơn về yêu cầu tự chủ nhà trường?

- Trước khi ký ban hành Nghị quyết 05/2005/NQCP của Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải có một bài nói chuyện dài và rất tâm huyết trước Quốc hội, cho rằng sau gần 20 năm đổi mới, hoạt động kinh tế đổi mới mạnh mẽ nhưng ở các hoạt động xã hội đổi mới chậm, cơ chế quản lý hành chính bao cấp đang tồn tại nặng nề, kìm hãm sức phát triển xã hội.

Cho nên tự chủ về tổ chức sẽ tránh tình trạng đơn vị cần người mà không được tuyển dụng, người không cần đơn vị vẫn phải giữ lại chiếm dụng quỹ lương, chờ cấp trên giải quyết! Về chuyên môn, yêu cầu dạy học ngày nay phải theo sát với từng học sinh nhưng cơ chế quan liêu bao cấp bắt buộc giáo viên phải dạy theo tiến độ được phân phối chung cho cả nước! Và, kinh phí trả lương hay sửa chữa những hư hỏng về cơ sở vật chất của đơn vị cũng phải chờ sự phê duyệt của cấp trên rất chậm chạp và không sát thực tế…

Nghị quyết 05/2005/NQCP của Chính phủ với tinh thần tự chủ đã giúp nhà trường thoát khỏi sự gò bó của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp nói trên, phát huy tốt tinh thần chủ động sáng tạo của nhà trường.

Ông có thể nhận xét về tiến độ và yêu cầu thực hiện tự chủ nhà trường hiện nay?

- Mục tiêu chính của chủ trương tự chủ là phát huy vai trò chủ động tích cực của cơ sở, nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ trong việc thực thi nhiệm vụ chính trị hiệu quả và kịp thời.

Với mục tiêu ấy, các đơn vị trường học của TP.HCM đã nhanh chóng tiếp cận chủ trương và thực hiện khá tốt. Nhưng so với yêu cầu đổi mới tự chủ về tổ chức, về chuyên môn và về tài chính thì còn nhiều việc phải làm vì những hướng dẫn thực hiện còn chậm, thiếu cụ thể, cơ sở khó thực hiện.

Có ý kiến cho rằng thực hiện chủ trương tự chủ nhà trường sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất dân chủ, hiệu trưởng độc quyền! Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Đi kèm với chủ trương tự chủ, nhà trường đồng thời phải thực hiện cơ chế dân chủ. Ở đó, người hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch năm học, trình ra hội đồng nhà trường, mỗi thành viên nhà trường không phân biệt là cán bộ, giáo viên hay nhân viên, tất cả đều có quyền góp ý bổ sung sửa đổi để trình ra Hội nghị người lao động vào mỗi đầu năm học, biến ý tưởng của hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường thành nghị quyết của tập thể nhà trường về những quyết sách của cơ sở trong toàn năm học. Khi đã trở thành nghị quyết của tập thể thì hiệu trưởng cũng phải chấp hành thực hiện dù đó không phải là ý kiến riêng của mình. Đây là cơ chế hoạt động tích cực và dân chủ, đòi hỏi các thành viên nhà trường phải thực hiện nghiêm túc, vì đó là sức mạnh và là sự văn minh, tiến bộ của đơn vị.

Một nhà trường tự chủ tốt là như thế nào, thưa ông?

- Nhà trường càng tự chủ tốt là nhà trường càng thực hiện tốt sự đoàn kết, dân chủ trong nội bộ nhà trường, thực hiện tốt cơ chế hoạt động theo quy định, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ năm học đề ra. Ở đó, về tổ chức nhân sự đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ. Về chuyên môn đảm bảo chất lượng đào tạo cho mọi đối tượng học sinh từ học sinh giỏi đến học sinh chưa giỏi; và về tài chính đảm bảo các quy định về thu chi, chăm lo tốt đời sống và điều kiện làm việc của thầy cô giáo, cán bộ và nhân viên nhà trường, tạo môi trường hoạt động công bằng, thân thiện, văn minh, giải quyết kịp thời và thỏa đáng mọi vướng mắc phát sinh.

Thưa ông, khó khăn trong việc thực hiện nhà trường tự chủ hiện nay là gì?

- Khó khăn trước hết là nhận thức và năng lực thực hiện cơ chế tự chủ của cán bộ quản lý nhà trường. Nếu giải quyết được khó khăn này thì những công việc tiếp theo sẽ thuận lợi. Ví dụ như xây dựng kế hoạch hoạt động phải thật cụ thể, chi tiết, liên quan đến mọi hoạt động trong trường từ tổ chức, chuyên môn đến chế độ chính sách. Tiếp đến là tạo không khí dân chủ trong đội ngũ, người lãnh đạo phải cầu thị, lắng nghe, có thời gian vật chất và môi trường thân thiện để mọi thành viên nhà trường tự tin và tích cực  góp ý, xây dựng… Nhưng vấn đề quan tâm nhất vẫn là nhận thức, nhận thức về mục đích, ý nghĩa của công cuộc đổi mới cơ chế, nâng cao vai trò chủ động của cơ sở để tiến bộ. Có nhận thức tốt mới dám vượt qua những khó khăn, chưa biết làm thì tìm cách học tập để biết làm!

Nhà trường tự chủ tốt phải tránh được hai trạng thái tiêu cực dễ xảy ra sau đây. Một là thực hiện dân chủ hình thức của lãnh đạo nhà trường, thường dùng nguyên tắc để áp đặt ý kiến chủ quan của mình; hai là dùng quyền tự chủ thoát ly yêu cầu, nhiệm vụ chung của nhà trường, chạy theo thu nhập mà xem nhẹ yêu cầu chuyên môn đào tạo!

Theo ông, cách giải quyết khó khăn tốt nhất trong việc xây dựng nhà trường tự chủ hiện nay là gì?

- Để giải quyết nhận thức, chúng ta phải có tinh thần cầu tiến, tiếp nhận thông tin tốt và học tập tốt. Học ở chủ trương của Đảng và Nhà nước, học ở bạn bè đồng nghiệp và học trong ngay công việc của mình và thực tế đòi hỏi.

Chúng ta biết rằng những hướng dẫn của cấp trên thường rất chậm và thiếu cụ thể! Có những nội dung hướng dẫn ai hiểu thế nào cũng được, cấp này bảo làm thế này, cấp kia bảo làm thế kia! Nên cơ sở rất khó thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, cơ sở cần chủ động tích cực tham mưu, xin ý kiến phê duyệt trước khi triển khai trên tất cả các yêu cầu về tổ chức, chuyên môn và tài chính.

Thành phố chúng ta đã vất vả thực hiện chủ trương tự chủ này trong hơn 10 năm qua, đã có những bước tiến bộ rõ rệt. Nhưng như trên vừa nói, chúng ta chưa thật sự hài lòng vì những khó khăn nhất định. Với sự quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về chủ trương tự chủ nhà trường trong thời gian gần đây, chắc chắn những khó khăn nói trên sẽ được tháo gỡ, nhất là vấn đề tổ chức biên chế giáo viên, vấn đề chuyên môn, chế độ thi cử và vấn đề thu chi tài chính trong nhà trường.

Xin cảm ơn ông!

Phan Ngọc Quang (thực hiện)