Thứ năm, 22/6/2017, 22h39

Xe buýt TP.HCM: Những tín hiệu vui!

Số lượng hành khách sử dụng xe buýt để đi lại tại TP.HCM tăng đột biến sau nhiều năm bị cho là “chết yểu”. Bên cạnh đó, tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy hoạt động đầu tiên tại TP.HCM ngày 1-8 sẽ vận hành là những tín hiệu vui…

Số lượng hành khách sử dụng xe buýt để đi lại tại TP.HCM đang tăng đột biến

Người dân đi xe buýt tăng đột biến

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, tính đến tháng 6-2017, lượng hành khách đi lại bằng xe buýt tại TP đạt 163,3 triệu lượt, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 47,2% so với kế hoạch năm 2017 là 346 triệu lượt.

Với số lượng này, đây là lần đầu tiên sau khoảng 4 năm, lượng hành khách sử dụng xe buýt tại TP.HCM mới bắt đầu có dấu hiệu “hồi sinh”.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết để đạt được mức tăng như trên là do trong năm nay, một trong những mục tiêu trọng tâm mà Sở GTVT cũng như TP hướng tới là tập trung đầu tư, phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt.

Ông Trung thông tin trong năm 2016, TP đã đầu tư thay mới gần 700 xe buýt trên 39 tuyến xe có trợ giá và dự kiến đến hết năm nay sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 800 xe buýt CNG (sử dụng khí nén thiên nhiên) nhằm giảm ô nhiễm môi trường cũng như tăng chất lượng dịch vụ.

Trong khi đó, hiện lộ trình của một số tuyến xe buýt chất lượng cao đã được điều chỉnh kết nối với các khu vực như Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), ga Sài Gòn (quận 3)... thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đón xe buýt. Ngoài ra, TP cũng đang thí điểm 4 tuyến xe buýt điện, thu hút nhiều khách tham quan du lịch.

Ông Trung chia sẻ công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tài xế, tiếp viên xe buýt vẫn đang được trung tâm chú trọng. Trong đó, đơn vị đã triển khai lắp đặt hệ thống 4.000 camera trên khoảng 3.000 xe nhằm theo dõi thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên cũng như giám sát an ninh trật tự...

“Trong khi TP.HCM chưa có hệ thống metro, xe buýt nhanh BRT thì xe buýt hiện nay là chủ lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Vì vậy, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra theo từng giai đoạn cụ thể và Sở GTVT cũng lấy năm 2017 là năm tập trung đầu tư, phát triển hệ thống xe buýt. Việc này nhằm từng bước hoàn thành một trong những mục tiêu thuộc 7 chương trình đột phá của TP là giảm tai nạn và ùn tắc giao thông” - ông Trung nói.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, kế hoạch triển khai 2 tuyến đường có làn riêng cho xe buýt hiện đã nhận được nhiều ý kiến từ chuyên gia, UBND các quận, huyện cũng như lực lượng CSGT nên đơn vị đã hoàn tất báo cáo gửi Sở GTVT trước khi trình UBND TP để có chỉ đạo cụ thể. Hai tuyến đường có làn riêng vẫn dự kiến thực hiện trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu, có thể thực hiện trong năm nay.

Ngày 1-8, “buýt” đường sông vận hành

Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) cho biết trước khi đưa vào khai thác, tuyến “buýt” này sẽ được vận hành kỹ thuật trong thời gian 1 tháng, từ ngày 30-6 đến 30-7. Như vậy, từ ngày 1-8, “buýt” đường sông mới chính thức vận hành.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, kế hoạch triển khai 2 tuyến đường có làn riêng cho xe buýt hiện đã nhận được nhiều ý kiến từ chuyên gia, UBND các quận, huyện cũng như lực lượng CSGT nên đơn vị đã hoàn tất báo cáo gửi Sở GTVT trước khi trình UBND TP để có chỉ đạo cụ thể. Hai tuyến đường có làn riêng vẫn dự kiến thực hiện trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu, có thể thực hiện trong năm nay.

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, hiện đơn vị đang khẩn trương thực hiện việc thi công, lắp ráp, chỉnh trang bến bãi... Tại các điểm đón - trả khách, những hạng mục thi công gồm xây dựng cầu dẫn cố định, di động; trụ đỡ cầu dẫn cùng các ki-ốt, mái che... Ngoài việc bảo đảm an toàn, đơn vị còn phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ quan... tại những trạm dừng này.

Theo chủ đầu tư, hình thức vận hành tuyến vận tải hành khách này như những tuyến “buýt” đường sông, với lộ trình, điểm dừng - đón cố định... Tuyến số 1 đi theo lộ trình từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Linh Đông (quận Thủ Đức), chiều dài khoảng 10,8km với 7 trạm dừng thuộc các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Trong khi đó, tuyến số 2 chạy từ bến Bạch Đằng đến Lò Gốm (quận 8), chiều dài 10,3km, từ sông Sài Gòn qua kênh Bến Nghé, Tàu Hủ (thuộc các quận 1, 4, 5, 6 và 8). Tuy nhiên, việc thi công tuyến này hiện đang gặp một số vướng mắc nên dự kiến đến đầu năm 2018 mới có thể đưa vào vận hành.

Dự án đầu tư 2 tuyến “buýt” đường sông này trước đó đã qua nhiều năm nghiên cứu và đến nay mới chính thức được thực hiện. Theo hợp đồng đã ký kết, thời gian khai thác, vận hành 2 tuyến “buýt” đường sông này là 50 năm, TP.HCM không phải đầu tư bất kỳ một công trình nào trong việc triển khai dự án. Sau khoảng thời gian khai thác và vận hành, nhà đầu tư sẽ thu hồi lại các hạng mục kinh doanh, tài sản đã đầu tư và bàn giao lại mặt bằng, công trình xây dựng cơ bản cho TP.

T.S