Thứ bảy, 7/1/2017, 22h09

“Xẻ thịt” các gầm cầu

Theo quy định của ngành GTVT, gầm cầu là nơi cần được bảo vệ về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thế nhưng, trên thực tế tại TP.HCM nhiều gầm cầu, đang bị lấn chiếm để kinh doanh mà không thấy cơ quan chức năng xử lý.

Bán nước và tụ tập dưới chân cầu vượt Ngã Tư Ga rất nhếch nhác và dễ gây tai nạn

Nhếch nhác “chợ” gầm cầu

Không chỉ ảnh hưởng đến vẻ đẹp về cảnh quan đô thị, các kiểu “xẻ thịt” những nơi công cộng như gầm cầu để làm nơi buôn bán còn nguy hiểm đến tính mạng của con người.

Điều 10 chương 3 của Thông tư số 50 của Bộ GTVT ra ngày 23-9-2015 quy định: “Gầm cầu bắc qua sông, gầm cầu vượt là những nơi không được hoạt động kinh doanh dịch vụ, làm nhà ở, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”. Tuy nhiên, trên thực tế lại hoàn toàn không được như vậy vì hầu như gầm cầu nào cũng đang bị người dân tìm cách “tận dụng” để thực hiện những “ý tưởng sáng tạo” trong việc kinh doanh buôn bán. Sau những nỗ lực cố gắng của ngành giao thông, con đường Phạm Văn Đồng đã được khai thác từ 5 năm nay. Cũng trên con đường rộng đẹp này có 1 chiếc cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn và một chiếc cầu vượt Bình Triệu trên quốc lộ 13 thuộc P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Điều đáng nói là chỉ sau một thời gian ngắn đường được khai thông thì 2 gầm cầu cũng được người dân đưa vào... sử dụng trái phép bằng cách tìm cách lấn chiếm để tụ tập buôn bán tự phát. Ngay từ khi chợ Bình Lợi chưa giải thể thì một người buôn bán vãng lai đã lấy gầm cầu Bình Lợi làm “điểm tập kết” để bán hàng hầu hết là người bán trái cây. Hàng ngày nếu ai đi qua đây đều được chứng kiến cảnh những chiếc xe đẩy cồng kềnh chở dưa hấu, mía, cam, mận đứng xếp thành hàng thành lối để mời chào khách. Vào giờ cao điểm thì gần như bị tắc đường vì nhiều xe máy dừng lại để hình thành một “khu chợ tự phát”. Chị H. một nhân viên ngành thủy lợi cho biết: “Nhà tôi ở P.13, Q.Bình Thạnh cuối đường Nơ Trang Long nên mỗi chiều đi làm về đều ghé qua đây để mua trái cây cho tiện”(?). Theo lời kể của người phụ nữ 40 tuổi, mua ở “chợ” gầm cầu vừa gần nhà lại có bóng mát và giá cả cũng bằng chỗ khác. Anh T. bán trái cây giãi bày: “Trước đây tôi bán ngoài đường phải chịu nắng suốt ngày, từ khi đẩy xe xuống gầm cầu thì không phải chịu cực như trước”. Đó cũng là lý do của người phụ nữ bán khẩu trang dạo ngay dưới chân cầu Bình Triệu cách đó không xa. Nếu so với độ lấn chiếm, cầu Bình Triệu cũng không thua kém với bất cứ chiếc cầu nào ở khu vực rìa TP. Đứng từ xa nhìn lại cũng đã thấy dưới gầm cầu lúc nào cũng có dăm chục người tụ tập. Có người tránh nắng đợi xe, có người nghe điện thoại nhưng cũng có người tranh thủ mua bán một món hàng gì đó đang bày bán dọc đường như các loại bánh kẹo, gà vịt, mũ bảo hiểm, khẩu trang và cả bảo hiểm xe máy. Đây là gầm cầu ít thấy có bóng dáng cảnh sát giao thông đứng canh nên các “phiên chợ” mi ni vẫn tự phát họp ngày 2 buổi đều đặn.

Cần phạt mạnh tay

“Cần dẹp ngay những chỗ buôn bán trái phép lấn chiếm gầm cầu, trạm biến áp để đem lại cảnh quan sạch sẽ cho những nơi này” - ông Thức, một cán bộ về hưu nhà ở gần cầu Bình Triệu bức xúc.  

Trên quốc lộ này, cầu vượt Bình Phước cũng là “điểm đen” về việc lấn chiếm gầm cầu để kinh doanh buôn bán tự phát. Ngoài đội quân xe ôm có vài người nằm ngồi nhếch nhác là những chị em phụ nữ chuyên bán cà phê nước giải khát lấy gầm cầu là “ki-ốt” riêng của mình. Theo báo cáo của Công an P.Hiệp Bình Phước đây cũng là tụ điểm phức tạp về nạn chèo kéo khách đi đường, buôn bán hàng rong và cả những hàng cấm như ma túy, thuốc kích dục. Các gầm cầu vượt An Sương, Chợ Cầu, Quang Trung, Linh Xuân cũng đều đắng cay chịu chung số phận.  Xung quanh khu vực này có nhiều đống rác gây ô nhiễm môi trường vì “cha chung không ai khóc”.

Nếu ai thường xuyên đi trên đường Hoàng Văn Thụ đều bắt gặp cảnh buôn bán bát nháo dưới chân cầu bắc qua 2 khu Công viên Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình. Không chỉ dưới chân cầu mà ngay 2 bên lề đường cạnh công viên, người dân cũng tìm cho mình một lãnh địa tốt nhất để “thử sức” kinh doanh trái phép. Ngoài các mặt hàng phổ biến như mũ bảo hiểm, kính mát, khẩu trang y tế mạo danh là những quán nước cơ động. Hầu như khách vào dạo chơi công viên hoặc đi qua đây đều tấp vào các xe đẩy bán nước dừa, nước cam, chè đậu xanh đánh đặc sản Huế để “tiếp tay” cho người bán. Điều đáng nói là nơi đây đều có gắn bảng thông báo: “Lấn chiếm sử dụng hè, đường để họp chợ kinh doanh dịch vụ ăn uống bày hàng hóa buôn bán không đúng quy định pháp luật phạt 25.000.000 đồng theo điều 45 Nghị định số 23 của Chính phủ” nhưng hầu hết mọi người chẳng ai quan tâm. “Cần dẹp ngay những chỗ buôn bán trái phép lấn chiếm gầm cầu, trạm biến áp để đem lại cảnh quan sạch sẽ cho những nơi này” - ông Thức, một cán bộ về hưu nhà ở gần cầu Bình Triệu bức xúc.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh