Thứ hai, 13/3/2017, 11h17

Xe VIP Limousine đại náo Thủ đô

Khi việc điều chuyển luồng tuyến khiến các nhà xe chưa đi vào hoạt động ổn định, là lúc xe hợp đồng trá hình nở rộ. Đặc biệt là các xe VIP Limousine 9 chỗ hoạt động bất kể ngày đêm, len lỏi vào từng ngõ phố nhỏ để đón khách.

Xe VIP Limousine đại náo Thủ đô
Xe Limousine Phúc Xuyên đón khách tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chỉ sau hơn 2 tháng điều chuyển luồng tuyến vận tải tại thành phố Hà Nội, hàng loạt doanh nghiệp xe khách tại bến xe Nước Ngầm đã tập trung phản đối gay gắt quyết định điều chuyển. Các doanh nghiệp cho rằng, xe hợp đồng, mà đặc biệt là sự nở rộ của các xe Limousine 9 chỗ (hoán cải từ xe 16 chỗ) đang khiến những xe khách tuyến cố định đứng trước nguy cơ phá sản.

Xe dù 9 chỗ len lỏi từng ngõ phố

Do được gắn mác xe hợp đồng, xe Limousine có thể di chuyển đón khách bất cứ địa điểm nào. Dân buôn bán phố Hàng Ngang, Hàng Đào không ai lạ gì nhà xe Hoa Thêm, Việt - Trung, Vân đồn xanh… thường xuyên chở khách từ Hà Nội - cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) hay Quảng Ninh. Cứ khoảng 12 giờ trưa hàng ngày, xe của các nhà xe này bắt đầu lượn trên các con phố cổ để đón dân buôn. Khi đủ khách, xe khởi hành đi Lạng Sơn.

Ngay cả một số nhà xe có “nốt” ở bến xe Mỹ Đình cũng mở thêm các tuyến xe hợp đồng trá hình. Tiêu biểu là nhà xe Phúc Xuyên, chuyên chạy Bến xe Mỹ Đình - Quảng Ninh. Ngoài xe 29 chỗ đi đúng tuyến xuất phát tại bến xe Mỹ Đình, nhà xe này đầu tư hàng loạt xe Vip Limousine 9 chỗ. Tuy giá có cao hơn xe khách tại Mỹ Đình (vé trung bình khoảng 200 ngàn/khách) nhưng những xe Limousine vẫn thường xuyên kín chỗ. Ghi nhận ngày 8/3, cứ 2 giờ xe Limousine Phúc Xuyên lại đón khách một lần bên cạnh Nhà hát Lớn (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) vào các giờ: 13g, 15g, 18g. Cao điểm, lúc 15 giờ cùng ngày, có đến 2 xe mang BKS 14B-016.00, 14B-017.56 cùng lúc đón khách tại địa điểm này.

Ngoài ra, một số nhà xe Limousine tăng thêm các chuyến Hà Nội đi Nam Định, Thái Bình để đón khách ngay cạnh bến xe Mỹ Đình. Như xe của nhà xe Phúc Lộc Thọ, thường xuyên di chuyển đón khách quanh khu vực này. PV đã ghi nhận được một trường hợp xe Limousine mang BKS 29B-160.84 đón khách dọc đường tại đường Yên Hòa (Cầu Giấy) ngày 3/3. Theo nhân viên trực tổng đài của nhà xe, khách hàng còn có thể đến điểm bán vé của hãng ở 168 Khuất Duy Tiến để đón xe.

Còn tại khu vực cổng sau của siêu thị Big C, khoảng 15 phút có 1-2 chiếc xe Limousine đón, trả khách. Ngoài chở người, những chiếc xe này còn nhận ký gửi hàng hóa.

Ông Trần Văn Quảng, đại diện doanh nghiệp vận tải Hà Sơn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, các xe hợp đồng trá hình lúc đầu ở Thanh Hóa chỉ có 50-70 xe nhưng sau 2 tháng đã tăng gấp 3 lần. Rõ ràng, việc điều chuyển là cơ hội cho “xe dù bến cóc” hoạt động đặc biệt là đón trả khách tại nhà, không có bến cố định, trong khi doanh nghiệp vận tải kinh doanh chịu các chi phí bến bãi thì “xe dù” không mất một đồng nào. “Nếu loại hình dịch vụ này liên tục phát triển nhanh chóng thì ai còn đi xe khách”, ông Quảng bức xúc.    

Khó phạt vì lỗ hổng chính sách

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định trước nguy cơ bị xe dù cướp khách, trong cuộc họp với các nhà xe mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã giao Sở GTVT và Công an thành phố chỉ đạo lực lượng thanh tra GTVT và CSGT phải xử lý toàn bộ xe dù, bến cóc quanh bến Mỹ Đình, kéo dài từ vành đai 3 trên cao tới bến xe Nước Ngầm.

Dù xe hợp đồng dưới 10 chỗ chạy dù, bị xử lý nhưng lực lượng thanh tra cũng chỉ xử phạt được với lỗi dừng, đỗ đón trả khách không đúng quy định. Đơn cử trường hợp xe Limousine BKS 19B-010.23 bị xử lý khi đang dừng đón khách tại số 82 Nguyễn Chánh. Mặc dù lực lượng chức năng có ghi hình cảnh hành khách cất hành lý rồi lên xe nhưng lái xe vẫn khẳng định chỉ chở khách theo hợp đồng. Cùng với đó là sự bao che của hành khách cho nhà xe, nhận có ký hợp đồng… Lực lượng chức năng do vậy không xử lý được.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Mạnh Cường cho biết, xe khách trá hình dưới 10 chỗ bắt đầu phát sinh từ khi Nghị định 86 và Thông tư 63 mới cho phép các xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải đăng ký danh sách hành khách và điểm đón, trả với Sở GTVT địa phương trước khi thực hiện hợp đồng. Lợi dụng kẽ hở này, hàng loạt xe 16 chỗ hoán cải và cả xe mới dưới 10 chỗ đã làm hợp đồng khống để vận chuyển khách liên tỉnh. Lãnh đạo Thanh tra GTVT Hà Nội nhận định: Chừng nào quy định pháp luật vẫn còn kẽ hở để doanh nghiệp lách qua, vi phạm sẽ khó xử lý triệt để.

Trong khi đó, đại diện Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, lượng xe hợp đồng dưới 10 chỗ đăng ký với Sở trong thời gian gần đây gia tăng rất nhanh. Dù biết, phần nhiều trong số này sẽ chạy hợp đồng “dù” nhưng về mặt lý thuyết, doanh nghiệp đầy đủ hồ sơ thì phải cấp phù hiệu.

Trần Hoàng (TPO)