Thứ tư, 29/7/2015, 07h12

Xét tuyển ĐH, CĐ 2015: “Bí quyết” chọn trường hiệu quả

Ông Nguyễn Quốc Cường đang tư vấn ngành nghề cho học sinh trong chương trình tư vấn hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại TP.HCM năm 2015

Thời điểm này, các thí sinh đều có chung tâm trạng băn khoăn “Làm thế nào để trúng tuyển vào trường ĐH mà mình mong muốn”.

Để giải đáp vấn đề này, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên viên tuyển sinh, Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) xung quanh chiến lược chọn trường cho từng đợt xét tuyển.

PV: Thưa ông, còn vài ngày nữa thí sinh sẽ nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào các trường ĐH, CĐ. Vậy trong khoảng thời gian này, theo ông, thí sinh nên làm gì?

- Ông Nguyễn Quốc Cường: Thời điểm này, các em thí sinh nên tận dụng lợi thế của internet để vào xem điểm chuẩn từng ngành của các trường trong những năm gần đây dao động như thế nào. Sau đó, căn cứ điểm thi từng tổ hợp môn mà mình có được để chọn trường phù hợp. Tuy nhiên, các em cần lưu ý là theo nhận xét chung của các giám khảo chấm thi, điểm thi năm nay cao hơn so với năm học trước, do đó các em nên hết sức cân nhắc khi nộp hồ sơ. Chẳng hạn, điểm chuẩn những năm trước của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khoảng 18-19 điểm thì năm nay có thể lấy cao hơn một vài điểm.

Trong thời gian xét tuyển NV1, làm như thế nào để thí sinh dự đoán khả năng trúng tuyển của mình, thưa ông?

- Sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có 1 giấy để xét tuyển NV1 và 3 giấy còn lại để xét tuyển NV bổ sung. Trong thời gian Bộ GD-ĐT quy định, thí sinh dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả xét tuyển NV1 để đăng ký xét tuyển NV1. Thời gian quy định xét tuyển NV1 là 20 ngày, trong thời gian đó Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH, CĐ cứ 3 ngày/lần phải cập nhật trên trang web của trường về số lượng thí sinh nộp hồ sơ. Thí sinh nên căn cứ vào chỉ tiêu của từng ngành, số lượng hồ sơ nộp vào trên cơ sở điểm của mình như thế nào để có những quyết định kịp thời. Nếu thấy khả năng đỗ quá thấp thì các em nên chuyển sang ngành khác hoặc xét tuyển sang trường khác, còn nếu khả năng cao thì giữ lại. Ngoài ra, thí sinh cũng nên lưu ý là nếu đã trúng tuyển NV1 thì không được đăng ký xét tuyển ở các đợt tiếp theo.

Ngoài những đợt xét tuyển NV bổ sung, thí sinh còn những cơ hội nào, thưa ông?

Nếu thấy khả năng đỗ quá thấp thì các em nên chuyển sang ngành khác hoặc xét tuyển sang trường khác, còn nếu khả năng cao thì giữ lại.

- Nếu không trúng tuyển NV1, thí sinh dùng 3 bản chính giấy chứng nhận đăng ký xét tuyển xét NV bổ sung để đăng ký xét tuyển tiếp. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển NV bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được rút hồ sơ để xét các đợt tiếp theo. Tuy nhiên, thí sinh lưu ý là tất cả các trường đã dành phần lớn chỉ tiêu vào NV1, hơn nữa các đợt xét tuyển chắc chắn sẽ không có hệ số ảo, điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước nên cơ hội không cao. Vì vậy, các em nên cân nhắc thật kỹ để có thể trúng tuyển ngay từ NV1.

Ông có lời khuyên gì cho thí sinh nếu chẳng may các em không trúng tuyển NV nào trong các đợt xét tuyển này?

- Thí sinh không nên vào ĐH bằng mọi giá, kể cả vào những trường, những ngành mình không thích mà nên cân nhắc lựa chọn ngành nào phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân. Nếu rớt ĐH, các em có thể chọn những bậc học thấp hơn như CĐ, CĐ nghề, TCCN, TC nghề… Nếu vào học ĐH ở một ngành không phù hợp, các em vừa mất thời gian chọn lại nghề, lại mất công sức, tiền bạc của bản thân và gia đình. Tôi cho rằng, học TC hay CĐ nghề thì cơ hội việc làm vẫn cao bởi cả nước hiện có khoảng 180.000 cử nhân thất nghiệp. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động hiện nay chỉ cần 12% trình độ ĐH, 13% trình độ CĐ, 35% trình độ TC, còn lại là công nhân kỹ thuật. Hơn nữa, mỗi năm cả nước có gần 600.000 thí sinh đỗ ĐH, theo khảo sát của trung tâm này, chúng ta đang đào tạo dư 25% trình độ ĐH nên việc cử nhân thất nghiệp là bình thường.

Bài, ảnh: Minh Châu

Lịch xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015

Từ 1-8 đến 20-8: Các trường nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1. Trước ngày 25-8: các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển NV1. Hết ngày 15-9: Xét tuyển NV bổ sung đợt 1. Trước ngày 20-9: Công bố điểm trúng tuyển NV bổ sung đợt 1. Trước ngày 5-10: Xét tuyển NV bổ sung đợt 2. Trước ngày 25-10: Xét tuyển NV bổ sung đợt 3. Trước ngày 31-10: Công bố điểm trúng tuyển NV bổ sung đợt 3. Trước ngày 15-11: Xét tuyển NV bổ sung đợt 4.