Thứ bảy, 16/7/2016, 13h52

Xét tuyển ĐH-CĐ 2016: Tránh “nôn nóng” nộp hồ sơ sớm

Trong hai ngày 16 và 17-7, Báo Giáo dục TP.HCM mở màn chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2016 với chủ đề “Cùng bạn quyết định tương lai” tại ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Tây Ninh (được truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh - truyền hình các tỉnh này.

Các thành viên trong Ban tư vấn chương trình

Chương trình diễn ra ngay thời điểm các trường ĐH trên cả nước đang hoàn tất khâu chấm thi, nhiều thí sinh nôn nao chờ biết kết quả và dồn mọi quan tâm vào công đoạn xét tuyển. Ban tư vấn cho rằng, các em cần dành thời gian tìm hiểu kỹ, không nên vội vã nộp hồ sơ đăng ký ngay những ngày đầu.

Không nhất thiết nộp ngay những ngày đầu

Mở đầu chương trình, hàng loạt câu hỏi của thí sinh Long An gọi về hỏi về cách thức xét tuyển ĐH-CĐ, trong đó nhiều em đề cập việc nộp hồ sơ đăng ký sớm để an tâm xét tuyển. Vấn đề này cũng được thí sinh hai tỉnh Tiền Giang và Tây Ninh đề cập đến.

Ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) lưu ý, trong thời hạn xét tuyển nguyện vọng (NV) 1, thí sinh nộp hồ sơ ngày đầu hay ngày cuối đều có giá trị xét tuyển như nhau, nếu chưa tìm hiểu chắc chắn, các em không nên nộp sớm. Theo ông Cường, đúng quy định, ngày 20-7, các trường công bố điểm thi. Từ ngày 1 đến 12-8, thí sinh chính thức xét tuyển NV1 vào các trường ĐH. Ở đợt 1, mỗi thí sinh được nộp vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành. Thí sinh có thể nộp trực tiếp, qua bưu điện hoặc đăng ký xét tuyển trực tuyến. Trước ngày 15-8, các trường ĐH sẽ công bố kết quả xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển nộp phiếu điểm đến hết ngày 17-8 để nhập học. Nếu không nộp phiếu điểm vào hạn này, thí sinh coi như không nhập học và có thể xét các đợt tiếp theo.

Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) phát biểu mở màn chương trình tư vấn tại tỉnh Long An

Thí sinh phải nắm chắc thông tin trước khi đăng ký

Trao đổi với các em thí sinh, ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) cho hay, khác với mọi năm, năm nay thí sinh không được rút hồ sơ chuyển đổi NV trong suốt quá trình xét tuyển. Điều này đòi hỏi các em phải tìm hiểu kỹ, nắm chắc thông tin trước khi đăng ký xét tuyển. Để cung cấp kịp thời cho thí sinh những thông tin cập nhật, đầy đủ nhất làm cơ sở đăng ký xét tuyển trong thời điểm quan trọng này, Báo Giáo dục TP.HCM tiếp tục tổ chức chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2016 với chủ đề “Cùng bạn quyết định tương lai”, mở màn với thí sinh ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Tây Ninh. Ban tư vấn chương trình gồm đại diện các trường ĐH-CĐ khu vực TP.HCM và phía Nam, đại diện Bộ GD-ĐT, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM… sẽ giải đáp “nóng” và tối đa những thông tin quan trọng về quy định xét tuyển, phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu, điểm chuẩn các trường, nhu cầu của thị trường lao động để thí sinh có cơ sở lựa chọn nhằm đạt kết quả tốt nhất.  

ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nhấn mạnh thêm, nếu chưa cảm thấy chắc chắn, thí sinh không nên nộp ngay những ngày đầu, việc chọn ngành cần cân nhắc kỹ. Vì năm nay, các em không được rút hồ sơ chuyển đổi NV trong toàn bộ quá trình xét tuyển. Ông Sơn cũng cho rằng, dựa vào thông tin trên các phương tiện truyền thông, phổ điểm được công bố… thí sinh xác định mức điểm của mình thuộc top nào để có được lựa chọn an toàn nhất. Thí sinh cần đặc biệt chú ý từ mốc thời gian 15-8 cho tới 17-8, các em trúng tuyển phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản chính (có đóng dấu đỏ của các cụm thi do trường ĐH tổ chức) về trường các em chọn học. Nếu bỏ qua công đoạn này, các em sẽ coi như không nhập học và có thể tham gia các đợt xét tuyển bổ sung sau, trong khi đó, nhiều trường ĐH đã “chốt sổ” ở NV1 do đã tuyển đủ chỉ tiêu.

Báo Giáo dục TP.HCM xin trân trọng cảm ơn trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Kinh Tế - Tài Chính TP.HCM (UEF) và trường CĐ Viễn Đông đã đồng hành cùng chương trình “Cùng bạn quyết định tương lai”

Có thể xét cả 2 phương thức

Liên quan đến câu hỏi của thí sinh về việc có được vừa xét học bạ vừa xét kết quả thi THPT quốc gia, Ban tư vấn cho rằng đây là 2 phương thức xét độc lập nhau, thí sinh có thể vừa xét NV1 bằng kết quả thi THPT quốc gia đồng thời nộp học bạ xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ khác. Trong trường hợp lỡ không đậu bằng phương thức này, có thể còn cơ hội ở phương thức kia. Tuy nhiên, thí sinh cần lựa chọn ngành học thực sự phù hợp sở trường, sở thích, điều kiện gia đình, nhu cầu nhân lực trong tương lai… Tránh nộp “sơ-cua” quá nhiều ngành học không phù hợp. Ban tư vấn cũng chỉ ra rằng, thời gian qua nhiều thí sinh cố vào ĐH cho bằng được, bất chấp ngành học không yêu thích, dẫn đến thiếu đầu tư, ra trường không có được việc làm mong muốn.

ThS. Nguyễn Anh Vũ (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) lưu ý thêm, trong xét tuyển, thí sinh nên ưu tiên chọn ngành phù hợp đam mê, kế đến chọn trường uy tín, chất lượng, phù hợp mức điểm, học phí…

Bài, ảnh: Mê Tâm

Từ nay đến ngày 9-8, chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2016 “Cùng bạn quyết định tương lai” sẽ tư vấn cho thí sinh tại TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Vĩnh Long (được truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh - truyền hình các tỉnh này). Ban tư vấn gồm: Ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM); ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM); ThS. Cổ Tấn Anh Vũ (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM); ThS. Nguyễn Anh Vũ (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM); ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM); ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM); ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM); ThS. Đinh Công Viễn Phương (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến); TS. Hoàng Văn Phúc (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Miền Đông); ThS. Trương Bình Minh (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành); TS. Trần Mạnh Thành (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt); ThS. Nguyễn Duy Tiến (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex)…