Thứ ba, 10/1/2017, 20h08

Xông hơi coi chừng “lợi bất cập hại”

Là hình thức điều tiết thân nhiệt bằng cách làm cho toàn bộ cơ thể ra mồ hôi ở nhiệt độ cao, xông hơi (còn gọi là tắm hơi, sauna) giúp thư giãn, sảng khoái tinh thần và tăng cường sức khỏe tim mạch nhưng không có tác dụng hữu hiệu trong việc giảm cân hay giải độc cơ thể như một số người lầm tưởng.

Xông hơi không có tác dụng giải độc, giảm béo như mọi người lầm tưởng (ảnh chụp tại một cơ sở xông hơi Nhật Việt Thanh thuộc Q.Bình Thạnh)

Điểm cộng cho sức khỏe

Dù dưới hình thức nào xông hơi cũng đều có tác dụng phục hồi sức khỏe cho con người sau những ngày lao động mệt nhọc, mới ốm dậy hay sau khi sinh. Khi vào phòng xông ở nhiệt độ cao, cơ thể sẽ tăng tiết mồ hôi qua tất cả lỗ chân lông và giãn nở mạch máu ngoại biên giúp giải cảm hạ sốt mà còn hạ huyết áp, giảm nhức khớp đau cơ.

Với các loại thảo dược có hương thơm đặc trưng như sả, gừng, khuynh diệp, chanh, tỏi nồi xông hơi truyền thống có tác dụng đẩy lùi cảm mạo, xua tan nhức mỏi do mạch máu dưới da được giãn nở gây kích thích lưu thông khí huyết lại vừa đào thải hàn khí hoặc thấp khí ra khỏi cơ thể theo đường mồ hôi. Tuy nhiên, tại TP.HCM hiện nay có hàng trăm hàng ngàn phòng tắm hơi hiện đại, lịch sự ra đời đã thay thế dần nồi xông hơi dân gian đơn giản. Anh Bùi Văn Thanh - chủ tiệm xông hơi Nhật Việt Thanh, quốc lộ 13, Q.Bình Thạnh cho biết, nhiệt độ phòng xông hơi trong khoảng từ 70 đến 80 độ C và độ ẩm 10 đến 20%. Quá trình này làm nhiệt độ da tăng lên 40 độ C. Theo anh Thanh, mặc dù chưa có những ca cấp cứu trong quá trình xông hơi nhưng thực tế vẫn có người vẫn chưa có đủ kiến thức đúng đắn khi đến các phòng tắm hơi để phục hồi sức khỏe.

TS. Lê Thúy Tươi (nguyên bác sĩ thuộc Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM) cho biết, khi xông hơi thì nhịp tim tăng và mạch máu mở rộng hơn nên có tác dụng tốt cho quá trình lưu thông máu. Nhờ lưu lượng máu chảy trong mạch được tăng cường phần nào làm giảm đau cơ, cải thiện cử động khớp, giảm chứng đau do viêm khớp. Cảm giác khoan khoái như được thư giãn cũng là liều thuốc tinh thần của các phòng tắm hơi mang lại. Theo nghiên cứu của thế giới, nhiều đàn ông ở độ tuổi trung niên đã giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch vì họ thường có thói quen xông hơi khô hàng tuần. Điều thú vị hơn là nếu được xông hơi 2 đến 3 lần thì nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch giảm hơn so với những người chỉ xông hơi 1 lần mỗi tuần. Cũng theo khảo sát chung, xông hơi khô cũng giúp phục hồi bệnh “quên quên nhớ nhớ” ở người lớn tuổi.

Coi chừng “lợi bất cập hại”

Tuy nhiên xông hơi không phải là liệu pháp tốt nhất và duy nhất để phục hồi mỹ mãn sức khỏe con người. Giới khoa học khuyến cáo không nên cho rằng xông hơi có thể thay thế chương trình luyện tập thể dục để duy trì sức khỏe tim mạch. Việc lạm dụng xông hơi như điều chỉnh nhiệt độ quá cao, ngồi trong phòng tắm hơi quá lâu sẽ có tác dụng ngược trong việc lấy lại sức khỏe vì làm cho con người thêm mệt mỏi, có nguy cơ tăng giảm huyết áp bất ngờ và gây đột quỵ nhất là người cao tuổi và phụ nữ có thai. Trước đây do thiếu hiểu biết nên mỗi khi xông hơi xong anh P. lại vội vàng xuống hồ bơi để tắm hoặc ghé vào phòng máy lạnh nghỉ ngơi mà không biết rằng đây là “quy trình” xấu. Nhiều người lại có thói quen không tốt là rủ nhau đến phòng xông hơi sau khi ăn nhậu no say. Đây cũng là một sai lầm lớn vì lúc ăn no mà vào phòng kín nhiệt độ cao thì không có lợi cho tim mạch. Những người sốt cao, bệnh huyết áp bệnh ngoài da cũng nên kiêng cữ xông hơi một thời gian. Lạm dụng xông hơi cũng gây mất nước cho cơ thể, sụt giảm năng lượng dương khí khi đó cơ thể còn mệt mỏi hơn khi chưa xông hơi. Ngày nay ngoài khách nam cũng có nhiều chị em phụ nữ đi xông hơi để làm đẹp nhưng không phải ai cũng “đủ tiêu chuẩn” vào xông được nhất là phụ nữ đang mang thai hay có kinh nguyệt vì “lợi bất cập hại”.

Theo lương y Phạm Hồng Việt (Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM) sau khi xông hơi tuyệt đối không được tắm lại dù tắm nước nóng hay nước lạnh. Khi xông hơi các lỗ chân lông sẽ nở ra để hút nước khi tắm lại làm cho lỗ chân lông co bít lại gây ứ trệ nước, giảm lưu thông máu huyết làm cho cơ thể thêm đau nhức và có thể bị cảm hàn. Quy trình đúng là trước khi xông hơi phải tắm sạch và xông hơi xong chỉ lấy khăn khô lau cho ráo chứ không cần nhúng nước lần hai vì có hại cho sức khỏe. Tốt nhất là sau 6 tiếng đồng hồ mới nên tắm lại sau khi xông khô hoặc xông ướt. 

Nhiều người nghĩ rằng do bị mất nước nên xông hơi cũng có tác dụng giảm béo. Theo lương y Việt, thực tế hoàn toàn không phải như vậy bởi vì sự mất nước chỉ mang tính chất tạm thời và sau khi ăn uống thì cơ thể lại lên cân trở lại. Hơn nữa xông hơi chỉ làm cho cơ thể thoát nước chứ không thoát... mỡ nên trọng lượng sau đó vẫn y xì. Xông hơi cũng không thể cứu giúp giải độc vì các loại thủy ngân, nhôm, rượu chỉ được thải chủ yếu qua ruột gan, thận chứ không phải qua đường mồ hôi như nhiều người lầm tưởng.

Bài, ảnh: Quang Phan