Thứ tư, 24/8/2011, 16h08

Xử lý khi bị ngứa "vùng kín"

Ngứa vùng da ở cơ quan sinh dục là triệu chứng nhiều thai phụ gặp phải trong thời gian mang thai. Để an toàn cho thai nhi, thai phụ cần đến bác sĩ để có hướng điều trị đúng chứ nhất thiết không được tự ý dùng thuốc. 
Ảnh: minh họa - Internet
Ngứa cơ quan sinh dục ở thai phụ có thể do một số yếu tố như:
- Tình trạng rạn da ở thai phụ trong những tháng cuối thai kỳ. Tình trạng này gây ngứa (mảng và sẩn mề đay). Ngoài ra, có thể bị ngứa ở vùng bụng, mông, đùi…
- Việc đổ mồ hôi nhiều sẽ làm xuất hiện rôm sảy, đặc biệt ở những vùng kẽ, nếp gấp.
- Thay đổi độ pH vùng âm đạo có thể gây ngứa và dễ dẫn đến viêm nhiễm...
- Sự thay đổi nội tiết trong cơ thể thai phụ khiến da trở nên nhạy cảm hơn với những kích thích bên ngoài (thời tiết nóng bức, sự cọ xát của quần áo thô ráp...) thường gây ngứa.
Ngứa cơ quan sinh dục rất khó chịu nhưng bạn đừng bao giờ gãi. Có thể giảm những triệu chứng khó chịu trên da bằng cách:
- Mặc đồ lót, quần áo rộng rãi bằng vải cotton giúp cơ thể được thoải mái, thoáng mát. Tránh ra ngoài lúc trời nắng hay ở những nơi nóng bức.
- Tắm với nước mát (không quá lạnh) hoặc nước ấm để giúp giảm ngứa. Ngâm rửa vùng sinh dục bằng các thuốc vệ sinh phụ nữ thông thường. Tránh dùng các loại xà phòng hay dung dịch tẩy rửa mạnh (có nồng độ xút cao), nhiều bọt và quá thơm.
- Chế độ ăn nên có thêm dầu ôliu (chưa tinh luyện) và các thực phẩm giàu vitamin A (dầu gan cá, gan, rau quả, trứng...), vitamin D (cá biển, dầu gan cá, các sản phẩm từ sữa...)... Uống nhiều nước (2 lít/ngày). Giảm ăn đường và các thực phẩm ngọt.
- Đảm bảo thai phụ không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Nếu tình trạng ngứa kéo dài không giảm bạn cần đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị tốt nhất.
Theo Trần Hoài
Báo Lao Động