Thứ năm, 28/1/2016, 20h26

Xử lý mạnh hành vi chống người thi hành công vụ

Thời gian qua trên địa bàn cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng xảy ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Hành vi trên vừa gây mất trật tự ATGT, vừa nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng chức năng.

Tình trạng chống người thi hành công vụ sắp tới sẽ bị xử lý nghiêm

Những hành vi xem thường pháp luật

Vụ chống người thi hành công vụ gần đây nhất xảy ra trên địa bàn TP.HCM vào chiều ngày 5-1-2016. Vào khoảng 19 giờ, tổ CSGT Đội Cát Lái đang làm nhiệm vụ tại giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống (Q.2) thì phát hiện một thanh niên tên Nguyễn Tuấn Dũng (34 tuổi, ngụ Bình Dương) điều khiển xe máy lưu thông vào làn đường dành cho xe ô tô. Đối tượng này còn cố tình nẹt pô inh ỏi, lạng lách, đánh võng, thậm chí dùng tay ra dấu khiêu khích CSGT. Lập tức tổ tuần tra đuổi theo và ra hiệu yêu cầu Dũng dừng xe. Tuy nhiên đối tượng này vẫn cố tình tăng ga bỏ chạy và tiếp tục lạng lách. Cho đến khi lên phà Cát Lái thì Dũng bị tổ tuần tra đuổi kịp. Trong khi CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ thì Dũng đã lên tiếng chửi bới, văng tục và bất ngờ dùng dao bấm đâm vào một thành viên của tổ tuần tra. Sau đó Dũng bị công an và người dân khống chế. Kết quả kiểm tra cho thấy Dũng dương tính với chất ma túy.

Một vụ vi phạm nghiêm trọng khác xảy ra vào ngày 2-12-2015 trên đường Nguyễn Xiển, quận 9 (đường cấm tải 5 tấn). Lực lượng CSGT quận 9 phát hiện xe đầu kéo 81C-057.70 do tài xế Nguyễn Tiến Long (39 tuổi, ngụ Gia Lai) điều khiển lưu thông vào đường cấm tải 5 tấn nên đã yêu cầu dừng phương tiện. Tuy nhiên tài xế đã cố tình bỏ chạy, khi đến gần trạm thu phí cầu Đồng Nai thì bị Trung úy Đoàn Quyết Thắng vượt lên chặn đầu. Lúc này tài xế đã tông thẳng vào xe đặc chủng, rất may Trung úy Thắng đã nhảy kịp nên tránh được thương vong. Trong những tháng cuối năm, nhiều địa phương khác cũng xảy ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ có tính chất nghiêm trọng. Cụ thể như vụ xảy ra trên địa bàn Hà Nội vào ngày 12-12, tài xế Đoàn Văn Chuyên điều khiển xe tải BKS 89L-0211 va chạm với một xe con 4 chỗ đoạn qua phường Phúc Đồng, quận Long Biên (Hà Nội). Thượng úy Trương Quốc Đạt (Đội CSGT số 5) đã ra hiệu lệnh dừng xe để giải quyết, nhưng Chuyên đã liều tông vào Thượng úy Đạt khiến người này bị cuốn vào gầm xe tải và bị kéo lê đi khoảng 20m. Vụ việc khiến Thượng úy bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Tương tự, trên địa bàn tỉnh Bình Phước (đoạn qua ấp 4A, xã Tân Lập, H.Đồng Phú) cũng xảy ra vụ tống ba trên một xe máy, trong đó có 2 người không đội mũ bảo hiểm. Khi bị CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra, người cầm lái tên Quyên đã có lời thô tục khi tiếp xúc. Thậm chí khi CSGT Trần Đức Tiệp yêu cầu đo nồng độ cồn, Quyên chẳng những không chấp hành mà còn dùng tay gạt làm rơi máy đo nồng độ cồn xuống đất, rồi xông đến giật bảng tên của một chiến sĩ CSGT ném ra đường.

Cần những biện pháp chấn chỉnh

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an lưu ý, những trường hợp tài xế bị CSGT ra hiệu lệnh dừng mà vẫn bỏ chạy, gây hậu quả nghiêm trọng, nếu có đủ yếu tố cấu thành thì đề nghị phải xem xét về tội “Giết người”. Thiếu tướng khuyến cáo tình trạng xử lý hành chính hoặc xử lý thiếu kiên quyết đối với các tình trạng vi phạm ở nhiều địa phương dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật. Bên cạnh đó, để CSGT có thể xử lý kiên quyết trong trường hợp các đối tượng chống đối, Thiếu tướng Trần Sơn Hà đề xuất trang bị vũ khí cho các chiến sĩ khi thi hành nhiệm vụ. Mặt khác ông cũng ủng hộ hình thức phạt nguội nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng này.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011-2015 vừa qua, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an lưu ý, tình trạng người vi phạm giao thông chống người thi hành công vụ tăng mạnh, diễn biến phức tạp trên các tuyến giao thông. Tính đến thời điểm này, đã ghi nhận gần 250 vụ chống lực lượng CSGT trên cả nước, có nhiều người hy sinh và gần 100 người bị thương.

Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (V19 - Bộ Công an), việc CSGT sử dụng vũ khí là bình thường vì trước đây từng được trang bị, sau một thời gian tình hình yên ổn nên không trang bị nữa. Tuy nhiên, trước tình trạng CSGT bị tấn công nhiều và bị thương trong thời gian vừa qua, ông cho rằng tình hình có những diễn biến phức tạp nên việc sử dụng súng cũng cần thiết vì nó có tác dụng cảnh báo, báo động và ngăn ngừa tội phạm. Thiếu tướng cũng khẳng định rằng trong Bộ luật Hình sự có chế định về phòng vệ chính đáng, đồng thời cơ sở pháp lý của việc sử dụng vũ khí hiện đã có pháp lệnh vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Riêng tại địa bàn TP.HCM, nhằm phòng ngừa có hiệu quả không để xảy ra tình trạng cản trở và chống người thi hành công vụ xảy ra trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, quy trình công tác; đảm bảo tư thế, tác phong của người chiến sĩ CAND trong việc thi hành công vụ, hạn chế thấp nhất tình trạng sai phạm, nhũng nhiễu tiêu cực. Đồng thời sẽ xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp hỗ trợ giữa lực lượng CSGT và các lực lượng (kể cả trong và ngoài ngành công an) khi tiến hành tuần tra kiểm soát về trật tự ATGT nhằm tăng cường nhân lực khi thực hiện nhiệm vụ, hạn chế tối đa các trường hợp đối tượng manh động, chống đối. Theo đó, các cán bộ chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ đều được trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, bộ đàm, còng… nhằm chủ động trong việc thông tin liên lạc, phối hợp đấu tranh phòng chống các hành vi chống người thi hành công vụ một cách kịp thời.

Bài, ảnh: Đinh Vũ