Thứ năm, 5/1/2017, 09h27

Xử lý nghiêm người vi phạm giao thông

Một số địa phương tiếp tục kêu vì tỷ lệ được hưởng từ nguồn thu xử phạt hành chính vi phạm an toàn giao thông ngày càng ít, do phải tăng điều tiết về T.Ư.

Đó là nội dung đáng chú ý tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia diễn ra ngày 4.1 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.
CSGT nhắc nhở tài xế xe tải về việc chấp hành các quy định mới sáng 4.1 /// Ảnh: Công Nguyên
CSGT nhắc nhở tài xế xe tải về việc chấp hành các quy định mới sáng 4.1 - Ảnh: Công Nguyên
Thiếu thì lại "xin - cho"
Bức xúc nhất khi phản ánh vấn đề này là Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh. Theo luật Xử phạt vi phạm hành chính, tiền thu phạt vi phạm hành chính là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%.
Tuy nhiên, thông tư hướng dẫn về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính lại quy định riêng tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, điều tiết về ngân sách T.Ư 70% để chi cho lực lượng công an, điều tiết cho ngân sách địa phương 30% để chi cho các hoạt động của các lực lượng bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn địa phương.
“Năm 2016 An Giang thu được 120 tỉ nhưng chỉ được hưởng 37 tỉ. Hướng dẫn mới nhất cho năm 2017, nếu vẫn thu như năm ngoái thì số để lại cho địa phương chỉ còn 10 tỉ”, ông Thạnh cho biết và lo ngại rằng điều này sẽ đi ngược với chủ trương chống “xin - cho” bởi địa phương không biết xoay xở thế nào thì lại phải đi xin. “Chúng tôi dự định tới đây triển khai hệ thống giám sát giao thông qua camera khoảng 100 tỉ đồng nhưng nay nghe hướng dẫn thế thì tiền đâu nữa mà làm”, ông Thạnh dẫn chứng.
Đại diện tỉnh Trà Vinh trong phần kiến nghị với Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng tiền xử phạt vi phạm giao thông nên để lại 100% cho địa phương.
Tại hội nghị sáng 4.1, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa thừa nhận trong những chuyến làm việc với các địa phương thì hầu như 100% các tỉnh, thành đều có kiến nghị được giữ lại khoản tiền này. “Thủ tướng cũng đã ghi nhận và đã đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu, nghiên cứu đề xuất giải pháp”, ông Nghĩa trấn an.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định Chính phủ sẽ sớm làm việc với các bộ Tài chính, Công an để kiểm tra lại việc điều tiết làm sao cho phù hợp theo hướng ủng hộ địa phương có thêm kinh phí, nhằm sử dụng cho công tác bảo đảm ATGT.
Chấm dứt tình trạng “gọi điện cho người thân”
Báo cáo tổng kết của Ủy ban ATGT quốc gia do Phó chủ tịch chuyên trách Khuất Việt Hùng trình bày cho thấy, năm 2016 (tính từ ngày 16.12.2015 - 15.12.2016), toàn quốc xảy ra hơn 21.500 vụ tai nạn, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.261 vụ (-5,52%), giảm 43 người chết (-0,49%), giảm 1.792 người bị thương (-8,5%).
Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng lo rằng điều này cho thấy tính bền vững trong công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn là một thách thức lớn. Vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Còn để xảy ra tình trạng phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động không có giấy phép, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; hiện tượng bảo kê uy hiếp, hành hung đối thủ cạnh tranh. Tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn diễn biến phức tạp trở lại, đặc biệt là khi xảy ra mưa ngập trong các khung giờ cao điểm...
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Phó thủ tướng nêu rõ mục tiêu là giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Chính phủ chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm minh, kiên quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT. “Phải xử lý nghiêm người vi phạm giao thông và người thực thi nhiệm vụ để không xảy ra tình trạng gọi điện cho người thân quen xin xỏ, hay dấm dúi chia đôi”, Phó thủ tướng lưu ý.
TP.HCM mỗi ngày có thêm 200 ô tô đăng ký mới
Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM - CATP), hiện trung bình mỗi ngày tại TP có khoảng 800 mô tô, xe gắn máy và 200 ô tô đăng ký mới. Tính đến tháng 11.2016, TP đang quản lý hơn 7,8 triệu xe cơ giới (trong đó hơn 7,2 triệu mô tô, xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô), chưa kể lượng mô tô, xe gắn máy các tỉnh hoạt động hằng ngày trên địa bàn TP. So với năm 2010 tăng 54% tổng số phương tiện (tăng 58% mô tô, xe gắn máy và tăng 32% ô tô) - từ gần 4,9 triệu xe năm 2010 và đến nay đã hơn 7,8 triệu xe.
Theo đại úy Cao Đức Thịnh, Phó trưởng Đội tham mưu PC67, thời gian của giờ cao điểm ùn tắc giao thông kéo dài ra, trước đây từ 16 - 18 giờ thì nay 16 giờ có thể kéo dài đến 20 giờ, thậm chí trưa (khoảng 11 - 12 giờ) cũng có dấu hiệu giống như giờ cao điểm, ùn tắc giao thông cục bộ ở các tuyến đường trung tâm.
“Trước mắt, PC67 sẽ tham mưu cho CATP chỉ đạo công an các quận, huyện huy động lực lượng công an phường, bảo vệ dân phố cùng xuống đường tham gia điều tiết giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông. Ngoài ra, cần huy động thêm các đoàn thể xã hội, cựu chiến binh, lực lượng thanh niên xung phong cùng hỗ trợ, góp sức tham gia”, đại úy Thịnh cho biết.
Đàm Huy

Chí Hiếu (TNO)