Thứ sáu, 9/10/2009, 15h10

Xử lý trường học lạm thu ở Hà Nội: Để "bùn" không đánh sang "ao"

Dẫu ngành GD-ĐT tuyên bố sẽ xử lý những trường hợp lạm thu nhưng tình trạng nhà trường thu quá nhiều khoản mang danh "tự nguyện" không hợp lý vẫn diễn ra. Các cấp quản lý cũng đau đầu để tìm giải pháp cho thực trạng này.
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về dự thảo sửa đổi một số nội dung của Luật Giáo dục diễn ra cuối tuần qua, vấn đề này cũng được bàn đến nhằm đưa ra những quy định chặt chẽ và phù hợp với thực tế hơn. Ở Hà Nội, các khoản thu tự nguyện khá đa dạng, mức thu vẫn tăng và thậm chí có trường còn cắt điện lớp học vì cha mẹ học sinh (CMHS) không chịu đóng tiền điện. Tình trạng lạm thu diễn ra nhiều năm nhưng không có biện pháp giải quyết triệt để, vì sao?
Mất quyền được từ chối
Một giờ học của cô và trò Trường TH Thanh Trì (quận Hoàng Mai). Ảnh: Phương Thanh
Trong 2 tuần cuối tháng 9, sau một thời gian "nghe ngóng", hầu hết trường học trên địa bàn Thủ đô đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm học, mà một nội dung không thể thiếu trong các cuộc họp này là thu tiền. Có thể thấy, các trường đã thực hiện nghiêm quy định của Sở GD-ĐT về các khoản được phép thu, song vẫn thu hộ nhiều khoản như quỹ đội, quỹ đoàn, kể cả khoản thu "kèm" bảo hiểm y tế là bảo hiểm thân thể. Chỉ có điều, ban đại diện CMHS đảm nhiệm việc này chứ không phải là cô giáo chủ nhiệm. Tình trạng thu dồn vào đầu năm vẫn phổ biến, bởi đa số phụ huynh cho rằng, nộp một lần cho tiện, đỡ mất công đi lại; trường cũng thu một lần cho xong, đỡ phải bố trí nhân lực, thời gian vào dịp khác. Năm nay không được thu tiền xây dựng cơ sở vật chất nên ở một số trường, khoản này mang tên mới "hỗ trợ môi trường sư phạm" và thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Song tính chất "tự nguyện" khá mờ nhạt khi các trường áp dụng cùng mức thu và gần như 100% phụ huynh đóng góp, trừ đối tượng được miễn giảm.
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có những khoản thu "tự nguyện" được xem là hợp lý. Trong điều kiện kinh phí đầu tư cho giáo dục dù đã được quan tâm nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu của sự phát triển cũng như đòi hỏi của chính phụ huynh thì phải huy động sự đóng góp của CMHS. Kinh phí nhà nước chỉ trang bị cho một lớp học 4 cái quạt, nhưng nóng quá phải lắp thêm 4 cái, tiền mua quạt, tiền điện hằng tháng tăng thêm phải lấy từ đâu? Lớp đông, cô nói nhỏ, trò ngồi cuối lớp không nghe được tiếng cô, phải mua loa để cô bớt mệt, trò không phải căng tai để nghe giảng, cũng phải lấy kinh phí từ những khoản thu tự nguyện... Có thể kể hàng nghìn lý do chính đáng và bởi thế, đa phần phụ huynh đều tự nguyện đóng tiền cho ban đại diện hoặc cho trường.
Mặc dầu vậy, không phải tất cả phụ huynh đều thấy tính hợp lý của các khoản thu, một phần do quan niệm, phần nữa do hoàn cảnh. Nhưng dù là với lý do nào, CMHS đều có quyền từ chối các khoản thu không mang tính tự nguyện hoặc không hợp lý. Song nhiều người không muốn hoặc không dám sử dụng quyền đó vì lo ngại cho con và cho chính mình. Từ bỏ quyền của mình, CMHS đã gián tiếp tạo điều kiện để các trường và ban đại diện CMHS tùy tiện lạm thu.  
Xử lý "điểm" một số trường lạm thu
Để xảy ra tình trạng thu tiền "tự nguyện" tràn lan, không hợp lý có trách nhiệm của các cấp quản lý, hiệu trưởng các trường, ban đại diện CMHS. Nói như thế không có nghĩa rằng, không thể quy trách nhiệm cá nhân cho loại vấn đề mang tính "trách nhiệm tập thể" này.
Không thể có lạm thu nếu hiệu trưởng là người công tâm. Quyết định thu tiền vì mục đích gì, chi ra sao, mức thu thế nào... cho hợp lý trong phạm vi trường phụ thuộc vào người lãnh đạo cao nhất của trường, trong lớp là giáo viên chủ nhiệm. Thêm một "nhân sự" có vai trò quan trọng trong việc kiềm chế lạm thu là trưởng ban đại diện CMHS trường, lớp. Người làm trưởng ban đại diện CMHS ngoài lòng nhiệt tình còn phải là người có quan điểm phối hợp giáo dục đúng đắn. Cũng có nhiều lớp, việc cử người làm công việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" này phụ thuộc vào sự nhiệt tình của phụ huynh, ít tìm hiểu xem quan điểm giáo dục, hoàn cảnh kinh tế nên có tình trạng ban đại diện quyết định các khoản thu cao so với thu nhập của số đông và vô hình trung gây khó khăn cho những gia đình nghèo.
Với các cấp tăng cường quản lý, ngoài việc ban hành các quy định, việc kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp lạm thu, không thực hiện đúng thỏa thuận sẽ ngăn chặn cơ sở làm sai. Sẽ không vị hiệu trưởng nào đánh đổi sinh mạng chính trị của mình vì những lợi ích kinh tế. Việc thu tràn lan là bởi thấy trường khác làm được, không thu thì không có kinh phí tổ chức các hoạt động, mua sắm thêm trang thiết bị, hỗ trợ hoạt động giảng dạy và cuối cùng là thiệt cho trường, giáo viên và học sinh. Được biết, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có kế hoạch kiểm tra việc thu, chi của các trường trực thuộc và chỉ đạo phòng GD-ĐT tham mưu với UBND quận, huyện tổ chức kiểm tra tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Đây là việc thường niên, tuy nhiên dư luận mong muốn rằng, cấp có thẩm quyền sẽ xử lý "điểm" một vài đơn vị vi phạm để việc kiểm tra không rơi vào tình trạng "đánh bùn sang ao".
Vân Vũ (HNM)