Thứ bảy, 18/6/2011, 09h06

Y tế trường học: Khó khăn tứ bề

Mạng lưới y tế trường học hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, nguồn lực hạn chế, thiếu về số lượng, chưa đảm bảo chất lượng… 

Cán bộ văn thư, thủ kho kiêm luôn công tác…y tế 
Theo Cục Y tế dự phòng, qua khảo sát tại các địa phương cho thấy hầu hết đều thiếu cán bộ làm công tác y tế trường học (YTTH), chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa qua tập huấn nên ảnh hưởng ít nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe học sinh. 
Trong khi đó, điều kiện vệ sinh trường học nhiều nơi chưa đảm bảo, chính vì thế một số bệnh tật học sinh trong trường học ngày càng gia tăng như tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán… Trong năm 2010, bậc tiểu học có đến 13 vụ bị ngộ độc thực phẩm với 60 học sinh bị ngộ độc; bậc THCS có 3 vụ với 6 học sinh bị ngộ độc và THPT có 2 vụ với 20 học sinh bị ngộ độc.  
Học sinh cần được chăm sóc sức khỏe tốt hơn khi tham gia học tập vui chơi tại trường (ảnh minh họa) 
Một thống kê cho thấy có 15/56 tỉnh thành hoàn toàn không có trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác giám sát các yếu tố vệ sinh trường học. Nhiều đơn vị cần có trang bị máy móc nhưng lại không đề xuất nên đã không đảm bảo quyền lợi cho học sinh. 
Trong các tuyến từ tỉnh đến xã thì hầu hết tuyến xã không có các trang thiết bị, phương tiện truyền thông, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ. Tại các trường học, cán bộ y tế thiếu trầm trọng, nhiều trường chưa có phòng y tế và các trang thiết bị phục vụ công tác sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh. 
Theo TS Trương Đình Bắc (Cục Y tế dự phòng) cho biết, tại các trường số cán bộ YTTH còn rất mỏng, trình độ không đồng đều, một số là y sĩ, y tá, điều dưỡng…giáo viên, cán bộ đoàn đội, văn thư cũng kiêm nhiệm luôn công tác này (chiếm tỷ lệ trên 60%); cá biệt có cán bộ được phân công theo dõi YTTH học là thủ kho của 1 phòng Giáo dục ở Hưng Yên. 
Về kinh phí chi cho công tác YTTH lại rất thấp. Chỉ có 14/54 tỉnh, thành được cấp kinh phí từ nguồn kinh phí địa phương cho cho hoạt động này; trung bình chỉ có trên 26 triệu đồng/tỉnh, tổng số kinh phí so với nhu cầu chỉ đạt 4,1%. Còn ở ngành giáo dục kinh phí cũng eo hẹp, trung bình chỉ trên 48 triệu đồng/tỉnh nhưng trong đó trả lương đã chiếm hơn 54%, với mức kinh phí này thì so với nhu cầu chỉ đạt 27,54%. 
10 tỷ đồng cho công tác YTTH năm 2011 
Theo ông Phan Trọng Lân, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết năm 2011, tổng kinh phí dành cho công tác thực hiên YTTH là 10 tỷ đồng; trong đó kinh phí địa phương là 5,744 tỷ đồng, còn lại là của các Bộ GD-ĐT, Y tế. 
Theo ông Lân, mục tiêu của dự án YTTH năm 2011 là nhằm củng cố họat động YTTH, ưu tiên cho những vùng khó khăn, góp phần giảm tỷ lệ mắc, kiểm soát và hạn chế một số yếu tố nguy cơ của một số bệnh tật học đường phổ biến hiện nay như: tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng và thay đổi hành vi vệ sinh ở học sinh tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện thể chất và tinh thần, có sức khỏe tốt để học tập. 
Trong năm 2011, dự án YTTH sẽ triển khai tập huấn cho 100% cán bộ thuộc Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh và 20% cán bộ tuyến huyện về kỹ thuật giám sát yếu tố vệ sinh trường học, kỹ thuật khám phân lọai sức khỏe học sinh và kỹ năng truyền thông về YTTH. 
Cục Y tế dự phòng cho rằng, ngành giáo dục cần sớm xem xét việc đề xuất xây dựng đề án hệ thống YTTH của ngành để làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe học sinh. Đặc biệt, cần nhanh chóng kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế trong các trường học, đảm bảo mỗi trường có 1 cán bộ là y sĩ; cần hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật, trước mắt cần ban hành tiêu chuẩn phân loại sức khỏe học sinh, tiêu chuẩn bàn ghế và quy chuẩn vệ sinh trưởng học; cần đầu tư kinh phí thỏa đáng cho hoạt động YTTH, ưu tiên cho công tác đào tạo, tập huấn cán bộ, mua sắm trang thiết bị.
Huỳnh Hải / Dan tri