Thứ ba, 29/12/2015, 20h46

Y tế trường học: Thiếu cả chất và lượng

Theo ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT - sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác YTTH, đối với bậc mầm non, phổ thông, tỷ lệ số trường có cán bộ chuyên trách làm công tác y tế học đường tăng từ 17,38% (năm 2006) lên 44,6% (năm 2015). Hệ thống phòng y tế, trạm y tế các cơ sở giáo dục được kiện toàn và thành lập mới, tỷ lệ các trường có phòng y tế là 47,49% đã tăng lên 49,3%. Trường có trạm y tế tăng từ 55,9% lên 80%.

Trên 50% trường thiếu cán bộ chuyên trách YTTH

Cũng theo ông Ngũ Duy Anh, tại Trung ương, nhiệm vụ YTTH do Vụ Công tác HSSV làm đầu mối chỉ có 3-4 cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc. Ở tuyến tỉnh, theo Thông tư liên tịch số 03/2000 về hướng dẫn thực hiện công tác YTTH, mỗi sở GD-ĐT phải có 1 cán bộ là bác sĩ theo dõi nhưng trên thực tế có 90% cán bộ kiêm nhiệm công tác YTTH là giáo viên. Hoạt động chủ yếu là triển khai các văn bản chỉ đạo công tác YTTH của ngành. Tuyến huyện/quận hiện có 29,4% phòng GD-ĐT có cán bộ theo dõi YTTH và phải kiêm nhiệm nhiều việc.

Tại các trường học, đến nay có 58,2% số trường có ban chăm sóc sức khỏe HS. Theo báo cáo của các tỉnh hiện nay tỷ lệ trường có cán bộ chuyên trách về công tác YTTH là 57,3% và cán bộ kiêm nhiệm là 37,2%. Trong đó, cán bộ chuyên trách YTTH biết đủ 5 lĩnh vực chuyên môn chính của YTTH là 47,1%. Còn hơn 7.000 trường học hoàn toàn chưa có nhân viên y tế, các vị trí này được giao cho giáo viên và các nhân viên kiêm nhiệm. Trong số những trường có cán bộ YTTH có trình độ trung cấp y, nhưng trình độ không đồng đều, gồm y sĩ, y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh và dược tá. Cả nước hiện còn 10.182 (25%) trường chưa có biên chế nhân viên y tế. Nhiều địa phương thiếu khá nhiều biên chế nhân viên YTTH theo quy định, các địa phương này đã chủ động có những giải pháp để hoàn thành công tác YTTH như Yên Bái thiếu 239 nhân viên, Thanh Hóa thiếu tới 1.794… Về đầu tư cho công tác YTTH tại nhiều địa phương, chính quyền các cấp chưa quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất.

700.000 HS mắc tật khúc xạ

Báo cáo kết quả thực hiện YTTH ngành y tế giai đoạn 2011-2015, ông Trương Đình Bắc - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết 70% số trường học từ cấp mầm non đến THPT đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho HS hàng năm. Thông qua khám sức khỏe định kỳ trung bình mỗi năm đã phát hiện khoảng 700.000 em mắc tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị); trên 40.000 em bị cong vẹo cột sống; trên 100.000 em bị béo phì…

Cũng theo ông Bắc, thách thức trong thời gian tới đối với công tác YTTH là tỷ lệ bệnh tật lứa tuổi học đường hiện nay vẫn còn cao như cận thị (từ 20-35%), cong vẹo cột sống (15-30%). Bên cạnh đó, những bệnh mới nổi ở lứa tuổi học đường do gánh nặng học tập, điều kiện kinh tế xã hội phát triển làm gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở HS (15-40%); rối loạn tâm thần HS (7-25%); tỷ lệ mắc bệnh răng miệng cao (60-95%) và gần đây nổi lên vấn nạn bạo lực học đường ở nhiều nơi, số HS có ý định tự tử tăng cao (16,9%), trong đó 21,8% phải đến bác sĩ điều trị và ngày càng có nhiều HS hút thuốc, uống rượu, lười vận động…

Điều 18 của Thông tư số 41/2014 liên Bộ Tài chính - Y tế về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế, mỗi trường học phải có cán bộ y tế và phòng y tế theo quy định là điều kiện để được cấp kinh phí từ quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS. “Như vậy, trên 50% các trường chưa đáp ứng điều kiện này dẫn đến HS không được hưởng quyền lợi theo quy định của Luật Bảo hiểm”, ông Bắc nói.

“Tại sao chăm sóc tốt hơn, trình độ cán bộ tốt hơn, cơ sở vật chất tốt hơn nhưng tỷ lệ số bệnh học đường vẫn tăng lên; phương hướng thời gian tới sẽ như thế nào?”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt vấn đề.

Nghiêm Huê