Thứ bảy, 17/6/2017, 20h32

Yêu cầu mới trong xuất khẩu nông sản

Ngày 16-6 tại Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Các yêu cầu mới về tiêu chuẩn chất lượng để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời thu hút hàng trăm doanh nghiệp (DN) tại ĐBSCL tham dự...

Tại đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi VN hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như nông sản, thực phẩm càng có cơ hội tiếp cận những thị trường lớn. Nhưng để khai thác tối đa lợi thế này, sản phẩm phải đảm bảo những tiêu chuẩn về chất lượng theo yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu.

Theo đó, luật sư Nestor Scherbey - Tổng Giám đốc CTRMS VN, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu - khuyến cáo các DN Việt Nam có ý định xuất khẩu thực phẩm vào Hoa Kỳ rằng: “Các nhà xuất khẩu phải trao đổi và làm việc với nhà nhập khẩu Hoa Kỳ để hiểu những yêu cầu mới về an toàn thực phẩm (ATTP) và tuân thủ chúng. Nếu các bạn chưa làm điều này thì đừng cố gắng xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ, bởi nếu chưa tuân thủ theo yêu cầu thì có rủi ro cao. Đó là nhà mua hàng/nhà nhập khẩu Hoa Kỳ của bạn, hoặc người đại diện sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng với Hải quan, FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) và USDA (Liên minh thuận lợi hóa thương mại Hoa Kỳ). Công ty của bạn có nguy cơ bị phạt rất nhiều tiền, bao gồm cả việc bị cấm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”.

Để có hàng nông sản sạch, đáp ứng yêu cầu ATTP của các thị trường bền vững như Mỹ, EU, một trong những yêu cầu cơ bản là phải thay đổi phương thức sản xuất. Ông Ino Mayu (Nhật Bản) - đang làm chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Bến Tre - chia sẻ kinh nghiệm: “DN cần hiểu biết tâm lý nông dân, gần gũi và chia sẻ với họ. Đặc biệt phải kiên nhẫn vì việc tập cho nông dân thói quen làm việc theo tập thể, theo quy định/tiêu chuẩn chung, ghi chép sổ sách, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sẽ mất nhiều thời gian. Đồng thời cũng cần công bằng về việc chia lợi nhuận và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó là tạo điều kiện giúp đỡ nông dân tiếp cận thông tin về nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường”.

Xung quanh vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao, thông tin: Trước những yêu cầu hội nhập, hội đã kết hợp các ban ngành, các tổ chức thẩm định, quản lý chất lượng sản phẩm của Hoa Kỳ, châu Âu, ASEAN… liên quan đến ngành thực phẩm để xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí hàng VN chất lượng cao - chuẩn hội nhập. Bộ tiêu chí đề ra những yêu cầu nhằm đáp ứng quy định đảm bảo chất lượng và ATTP của thị trường quốc tế trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, đóng gói, vận chuyển hàng nông sản và thực phẩm, nghĩa là kiểm soát toàn bộ nguồn gốc của hàng hóa. Qua đó góp phần giúp các DN có thể thành công trong sân chơi hội nhập. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh các quốc gia đang tăng cường hàng rào bảo hộ theo các tiêu chuẩn quốc tế.

“Một khi những sản phẩm đạt các chuẩn này, đây không chỉ là tấm giấy thông hành giúp hàng Việt tiếp cận các thị trường lớn mà còn là mục tiêu cụ thể giúp các DN vừa và nhỏ vươn lên để đạt được thành công trong nền kinh tế hội nhập”, bà Kim Hạnh nhấn mạnh.

Đan Phượng