Chủ nhật, 19/9/2021, 19h39

1,82 triệu túi an sinh đã được chuyển về các địa phương

Thông tin này được ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM nêu ra tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP chiều 19-9.


Các đại biểu tham dự họp báo chiều 19-9

Đã tiêm được 8.735.784 mũi vắc xin

Cũng tại họp báo, ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, tính đến 18 giờ ngày 18-9, có 331.569 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố.

Hiện TP đang điều trị 41.193 bệnh nhân, trong đó có 3.459 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.350 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 18-9 có 2.637 bệnh nhân xuất viện, cộng dồn từ 1-1 đến nay là 169.201 người; có 182 trường hợp tử vong trong ngày, cộng dồn từ 1-1 đến nay là 13.281 trường hợp.

Từ 18 giờ ngày 17-9 đến 18 giờ 18-9, TP đã lấy 298.576 mẫu xét nghiệm, trong đó có 5.399 mẫu đơn và 9.914 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 201.754 mẫu.

TP cũng đã triển khai tiêm vắc xin được 8.735.784 mũi, trong đó đạt 6.728.803 mũi 1 và 2.006.981 mũi 2, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.025.251.

Để xảy ra tập trung đông người sẽ xử lý trách nhiệm quản lý khu vực

Trả lời câu hỏi của báo chí vì sao có 50 F0 được cấp giấy đi đường, ông Lê Mạnh Hà - Phó Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, số người này thuộc diện được cấp giấy sau đó mới biết bị dương tính vi rút SARS-CoV-2 chứ không phải đang bị bệnh mà vẫn được cấp.

Nguyên nhân, do có độ trễ trong thông báo kết quả ca bệnh. Thời gian bệnh nhân nhận kết quả xét nghiệm PCR dương tính đến khi cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mất từ 3-5 ngày nên không biết bản thân bị F0. Và trường hợp đi đến các cơ sở khám chữa bệnh, xét nghiệm phát hiện bị F0 thì vẫn được phép di chuyển về nhà hoặc đến trung tâm cách ly tập trung.

Theo ông Hà, Công an TP cấp giấy đi đường cho các đơn vị chức năng để cấp cho các cá nhân. Qua xác minh tất cả các trường hợp đều không có vi phạm trong việc cấp giấy. Tuy nhiên, F0 nào vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, nếu làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Trả lời câu hỏi về việc Công an TP xử lý như thế nào trước tình trạng những ngày gần đây đông người tập trung mua bánh trung thu, ông Hà cho biết, để tăng cường quản lý trong các khu dân cư về thực hiện giãn cách, Công an TP đã tăng cường lực lượng các phòng nghiệp vụ xuống đảm nhiệm các chốt tuần tra của công an quận, huyện, phường, xã. Lực lượng công an quận, huyện, phường, xã được tăng cường về quản lý khu vực địa bàn. Công an TP cũng có quy định trách nhiệm các lượng lượng phụ trách quản lý khu vực, nếu để xảy ra tình trạng tập trung đông người sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm.

Về việc vì sao Công an TP vừa quét mã QR vừa kiểm tra giấy đi đường, ông Hà cho hay, công việc này đang được thực hiện song song. Xuất phát từ việc cập nhật danh sách giấy đi đường chưa đầy đủ, kể cả các trường hợp thuộc diện bổ sung. Tuy nhiên, khi lực lượng tại các chốt quét mã QR nhưng đã có cập nhật danh sách giấy đi đường thì sẽ không kiểm tra nữa. “Việc kiểm tra song song nhằm đối soát đúng đối tượng lưu thông được cấp phép”, ông Hà nhấn mạnh.

Tài xế cần tuân thủ quy định phòng chống dịch khi lưu thông

Trước câu hỏi TP.HCM có tổ chức giao thông liên vùng không, ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) TP.HCM, cho biết, Bộ tiêu chí an toàn của ngành GT-VT trong giai đoạn dịch bệnh được ban hành áp dụng trên địa bàn TP.HCM. Bộ tiêu chí này được đánh giá, xây dựng kỹ nên trong quá trình triển khai các địa phương khác có thể nghiên cứu, còn việc quyết định phụ thuộc UBND từng tỉnh, thành.

Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên tổ chức các cuộc họp và ban hành các văn bản để đảm bảo giao thông vận tải phù hợp với diễn biến dịch bệnh và tạo thuận lợi nhất cho các phương tiện trong quá trình lưu thông giữa các tỉnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh sẽ có những khó khăn nhất định, đặc biệt một số địa phương có cách làm chưa phù hợp, sau đó đã phải điều chỉnh.


1,82 triệu túi an sinh đã được chuyển về các địa phương

“Sở GT-VT TP đã phối hợp với sở GT-VT các địa phương để kịp thời báo cáo với UBND cấp tỉnh, Bộ GT-VT để đề xuất giải quyết nhanh các vướng mắc và cơ bản được giải quyết kịp thời” ông Bằng nói.

Ông Bằng thông tin thêm, đối với “luồng xanh” tại TP.HCM, từ khi triển khai đến nay không có vướng mắc và hoạt động ổn định. Tuy nhiên, các quy định về “luồng xanh” đều được ngành GT-VT ban hành, nhưng trong quá trình các doanh nghiệp vận tải, lái xe hoạt động đã có những vi phạm. Mới đây, tại một số chốt phát hiện có tài xế cố tình sửa giấy xét nghiệm từ dương tính với SARS-CoV-2 thành âm tính để qua chốt. Vi phạm này gây ra sự mất an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

“Về nguyên tắc, tại các chốt không bắt buộc kiểm tra giấy xét nghiệm, tuy nhiên lực lượng chức năng vẫn có quyền kiểm tra để đảm bảo phòng chống dịch và sẽ xử lý các trường hợp vi phạm”, ông Bằng nói.

Qua sự việc này, ông Bằng đề nghị các tài xế đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình lưu thông.

N.Trinh