Thứ ba, 24/3/2020, 00h02

2 tuần tới là thời gian vàng để chống dịch Covid-19

“Muốn ngăn dịch thì chúng ta phải cố gắng không để vượt 1.000 người trong vòng 10 ngày đến 2 tuần tới. Đây thời gian vàng để chống dịch Covid-19”. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh điều này tại buổi họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức chiều 24-3.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo tại buổi họp trực tuyến chiều 24-3

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận chúng ta đang ở tuần cuối cùng tháng tăng tốc của thế giới về người nhiễm. Dựa vào 3 mốc thời gian mà thế giới thống kê phân biệt thì chặng thứ nhất có 1 người tử vong, chặng thứ 2 là 100 người và lên đến 1.000 người ở chặng thứ 3. Điều này cho thấy số ca lây nhiễm, tử vong tăng lên đều có tính quy luật. Như vậy, nếu chúng ta không xử lý tốt trong vòng 1.000 người thì càng về sau nguy cơ vỡ trận là rất lớn.

Ông dẫn chứng từ nước Mỹ, ngày 23-1 xuất hiện ca đầu tiên. Sau 40 ngày thì tăng lên 100 người, 8 ngày sau lên 1.000 người và 3 ngày sau lên 2.000 người. Nhưng chỉ trong vòng 1 tuần sau, số ca tăng lên đến 20.000 người và 3 ngày sau tiếp tục tăng lên đến 44.000 người và dự báo cuối tháng 3, nước Mỹ sẽ không có dưới 90 ngàn người.

“Từ 100 người vào ngày 3-3, dự báo tăng đến 90.000 người vào cuối tháng 3 thì nước Mỹ đã vượt số ca nhiễm của Trung Quốc chỉ trong vòng 1 tháng. Chúng ta đang sống ở thời điểm mà tốc độ tăng ca nhiễm khủng khiếp, nhưng diễn biến này thực ra có quy luật”, ông Nhân cho biết.

Theo ông, Việt Nam đang bước vào giai đoạn qua 100 người. Ở các nước trên thế giới, giai đoạn này bình quân 10 ngày và từ 1.000 lên 2.000 chỉ 3 ngày. Do đó, muốn ngăn dịch thì chúng ta phải cố gắng không để vượt 1.000 người trong vòng 10 ngày đến 2 tuần tới. Đây thời gian vàng để chống dịch Covid-19. Mặc dù là thách thức nhưng để tuột thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao, khiến tình hình không kiểm soát nổi.

Riêng TP.HCM, lâu nay tỉ lệ nhiễm vào khoảng 30%/tổng số người nhiễm cả nước. Nếu cả nước  có 1.000 người nhiễm thì thành phố có khoảng 300 người và giường cách ly vẫn đủ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, cứ 1 người dương tính thì phải cách ly 280 người, như vậy nếu có 300 người nhiễm thì có 84.000 người phải cách ly. Lúc này đòi hỏi thành phố phải suy nghĩ về phương án cách ly vì không đủ giường. 

Điểm qua bài học kiểm soát dịch bệnh mà Nhật Bản và Hàn quốc làm rất tốt thời gian qua, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến việc ngăn chặn người nước ngoài mang dịch vào; yêu cầu đeo khẩu trang thường xuyên; cho người dân xét nghiệm nếu có nhu cầu; cách ly 14 ngày nếu người dân tiếp xúc nơi có dịch; đóng của trường học và đình chỉ hoạt động đông người.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn chiều 24-3 

Từ những bài học này, ông cho rằng chúng ta cũng đang làm tương tự, nhưng đây là vấn đề đòi hỏi phải có tự giác và sự giám sát. Như Hàn Quốc, nếu cách ly mà ra khỏi nhà thì phạt tù 1 năm hoặc phạt 8.200 đô-la Mỹ. Ở nước ta chưa phạt nhiều và mong chúng ta không phải dùng tiền để phạt mà nên tăng cường giám sát từ địa phương. “Ở đâu có người phải cách ly theo bắt buộc thì không những ủy ban, khu phố mà mặt trận đoàn thể phải biết và giám sát, không để họ đi ra ngoài gây nguy cơ lây lan dịch bệnh”, ông cho biết.

Về bài học hạn chế đi lại, ông nhấn mạnh phải đi sâu vào kinh nghiệm của Hàn và Nhật. Bằng cách quyết liệt đẩy mạnh mua sắm qua mạng, giảm tần suất đi mua sắm, giảm tiếp xúc. Chúng ta phải vận động người dân không nên đi mua những thứ không cần thiết trong vòng 2 tuần tới như quần áo, giày dép, thiết bị điện tử,… Mỗi người nên “sống khác” một chút. Tiết kiệm, ít đi lại để cùng chung tay chống dịch. Đặc biệt, qua bài học từ Nhật trong việc trả lương cho người dân ở nhà trông con thì thành phố nên suy nghĩ hỗ trợ thu nhập cho người dân.

Tạm ngưng hoạt động các điểm vui chơi giải trí từ nay đến 31-3

Từ 18 giờ chiều 24-3, tất cả các điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ từ 30 người trở lên), câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (Gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP.HCM sẽ tạm ngưng đóng cửa đến hết 31-3.

Đây là công văn thông báo khẩn được Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm kí ngày 24-3, sau khi căn cứ kết luận của Ban chỉ đạo thành phố về phòng chống dịch bệnh Covid-19 họp vào cuối giờ chiều ngày 23-3 và đề xuất của Sở Văn hoá - Thể thao TP.

Việc ra thông báo khẩn này có liên quan đến nhiều bệnh nhân dương tính với virus Sars-CoV-2 đã không nghiêm túc thực hiện cách ly tại nhà, vẫn tụ tập đi ăn uống, đi bar, beer Club và Gym,… gây khó khăn trong việc phòng chống dịch cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhiều dân cư sống xung quanh. 

Theo đó, UBND TP giao Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở Công thương và các Sở liên quan và UBND 24 quận huyện theo dõi, kiểm tra và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện theo công văn trên.

Trước đó, UBND TP cũng có công văn yêu cầu ngưng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu... kể từ 18 giờ ngày 15-3 đến hết ngày 31-3 để phòng chống nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

“Ngày 29-2, chính phủ Nhật quyết định trả lương cho công nhân, người lao động phải ở nhà trông con. Trông con là vì xã hội, trả lương để giúp người dân yên tâm, không phải đi lại mưu sinh. Đây là điều TP nên suy nghĩ, bàn bạc hỗ trợ vì doanh nghiệp không thể trả hết tiền lương và chưa chắc nhiều người đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Nếu không có ngay ngân sách thì thực hiện bằng sức mạnh xã hội. Nên có quy xã hội hỗ trợ thu nhập cho người lao động mất việc để họ đủ tiền mua thức ăn cho bản thân và con em họ”, ông Nhân nói.

Trong các phương châm hành động sắp tới, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM yêu cầu phải làm thường xuyên công tác dự báo sớm về lây lan dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam. Dự báo cả tình hình sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và dự báo các lực lượng chống phá lợi dụng dịch bệnh để chống phá.

Nguyễn Trinh