Thứ tư, 9/9/2020, 10h23

Ai được lợi trong đề xuất đổi xe máy?

Dư luận đang rất xôn xao về thông tin Sở TN-MT Hà Nội đề xuất chương trình thí điểm đổi xe cũ lấy xe mới. Những chiếc xe máy cũ trên 18 năm nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng để đổi sang xe mới.
Theo quan điểm của cơ quan đề xuất, chương trình này là một giải pháp nhằm cứu môi trường Hà Nội. Mục tiêu của đề xuất là rất tốt, thế nhưng, có rất nhiều câu hỏi đặt ra với đề xuất này cần được trả lời rõ ràng.
Thứ nhất, đề xuất này có mâu thuẫn với chủ trương giảm bớt xe gắn máy, tiến tới cấm xe máy vào nội đô của TP Hà Nội? Cách đây 1 năm, Hà Nội đã đưa ra đề xuất xây dựng phương án cấm xe máy theo lộ trình 3 giai đoạn: năm 2019 - 2025, năm 2026 - 2030 và sau năm 2030. Đến năm 2025 sẽ thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm các ngày làm việc trong tuần trên nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố; đến năm 2030 sẽ cấm hoàn toàn xe máy trong nội thành. Tuy nhiên, TP Hà Nội chưa quyết định có thực hiện chủ trương này hay không. Việc đề xuất đổi xe máy cũ lấy xe máy mới đang khiến nhiều người dân bối rối, bởi không biết “số phận” xe máy của mình sẽ ra sao; mục tiêu phát triển giao thông công cộng để hạn chế các phương tiện cá nhân của Hà Nội có được thực hiện đúng tiến độ.  
Câu hỏi thứ hai là, nếu thực hiện theo đề xuất, ngoài lợi ích về môi trường liệu còn có lợi ích kinh tế nào đứng đằng sau? Hà Nội hiện có khoảng 5,7 triệu xe máy tham gia giao thông, trong đó có 2,5 triệu xe máy có tuổi đời trên 20 năm và khoảng 60.000 xe có tuổi đời từ 30 - 50 năm. Để đổi hết số xe máy này, số tiền cần lên tới 5.000 - 10.000 tỷ đồng. Theo đề xuất của Sở TN-MT Hà Nội, nguồn kinh phí sẽ do Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ. Đây là tổ chức đại diện của 5 nhà sản xuất xe máy lớn ở Việt Nam với những thương hiệu nổi tiếng. Việc các đơn vị sản xuất, kinh doanh bỏ ra 5.000 - 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ sang xe máy khiến không ít người đặt dấu hỏi về lợi ích các bên. Liệu có phải đây là một chiêu trò để đẩy doanh số bán hàng và chi phí bỏ ra sẽ ẩn vào giá xe? 
Thêm một câu hỏi nữa là đề xuất này đưa ra đã được nghiên cứu kỹ lưỡng hay chưa, cá nhân nào chịu trách nhiệm nếu đề xuất không hợp lý? Bài học thực tế đã cho thấy có khá nhiều đề xuất, quy định vô lý được các cơ quan chức năng đưa ra, ví dụ như đề xuất xe biển số chẵn thì đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ; đề xuất thu phí bảo trì đường bộ với xe máy; xử phạt ô tô không có bình cứu hỏa… Những đề xuất đó không chỉ thể hiện sự yếu kém của một bộ phận cán bộ đang làm việc tại cơ quan công quyền mà còn tạo ra những luồng dư luận tiêu cực, gây khó khăn thêm cho công tác quản lý nhà nước. Thực tế đó đòi hỏi các đề xuất cần phải được nghiên cứu thận trọng, được thẩm định kỹ càng trước khi trình lên các cấp có thẩm quyền. Các cá nhân, lãnh đạo cơ quan đưa ra đề xuất phải chịu trách nhiệm để đảm bảo tính khả thi khi chính sách được ban hành, tránh những nghi ngờ về sự thiếu minh bạch, thiếu công tâm trong xây dựng chính sách.
MINH DUY (theo SGGP)