Thứ bảy, 27/11/2021, 15h37

"Antigone" ra mắt công chúng Việt Nam

Những ngày cuối năm, Viện Goethe cùng Nhà hát Tuổi trẻ đã làm mới lại "Antigone" - vở bi kịch Hy Lạp cổ đại được viết cách đây hơn 2.500 năm bởi Sophocles. Ông từng là trung tâm của những biện luận, lý giải, phỏng đoán và phân tích của các nhà làm nghệ thuật và triết gia trên thế giới.

Vở diễn lấy bối cảnh thành Thebes cổ đại, sau thời Oedipus - vị vua vô tình giết cha và lấy mẹ mình, được các vị thần tha thứ - đã cho ra đời những người con nối tiếp. Ở thế hệ sau này, Polyneices vì muốn tiếp quyền vua, cũng là em trai đương nhiệm Eteocles, đã nổi dậy phản kháng quyền lực, và kết cục là cái chết của cả hai anh em. Hành động đó đã khiến Creon - chú của họ - coi Polyneices là phản bội và ra lệnh không được chôn cất. Antigone - em gái, và cũng có một quan hệ phức tạp với Polyneices - trung thành với tư tưởng của các vị thần, đã trái lệnh và chôn cất anh trai. Sau cùng nàng tự vẫn trong hang, vị hôn phu của nàng - con trai của Creon - vì quá đau lòng mà chết theo. Chứng kiến cảnh đó, Hoàng hậu cũng tự kết liễu mình, để lại Creon một mình với sự hối hận và nỗi đau khôn xiết. 

Với mong muốn tiệm cận với khán giả trẻ, vở bi kịch nay được làm mới bằng các góc nhìn đa diện: từ sân khấu, múa đương đại, trình diễn đa phương tiện… cho đến các tiểu luận triết học đặc sắc. Một Antigone được Việt hóa mới mẻ, đầy mê hoặc, tự do trong các cách diễn giải, thức thời hơn trong xã hội hiện đại.

Nhộn nhịp trình diễn nghệ thuật

Tới đây, sẽ có rất nhiều nhóm nghệ sĩ tham gia tái hiện lại bi kịch này. Góc nhìn của nhiều nghệ sĩ khác nhau, nhưng tất cả đều cố gắng kết nối, đưa tính Việt vào, để gửi gắm và truyền tải vở bi kịch theo cách gần hơn với khán giả trẻ. 

Vở Antigone dưới sự dàn dựng của đạo diễn Trần Lực

Ở mảng sân khấu, có thể kể đến hai đạo diễn Bùi Như Lai và Trần Lực. Trước đó, đạo diễn Bùi Như Lai cũng từng dựng vở Oedipus làm vua - phần trước của Antigone tại Việt Nam - và được đánh giá cao. Vở dựng của đạo diễn Trần Lực theo phong cách sân khấu đương đại bằng hình thức ước lệ biểu trưng, nhằm khai thác sâu hơn sự tương phản giữa Antigone và em gái mình. 

Ngoài ra, các nhân tố trẻ cũng tham gia dự án này với nhiều cách thể hiện khác nhau. Có thể kể đến Saigon Theatreland với Bức chân dung - dự án kịch nói - đối thoại cộng đồng hướng đến thể nghiệm sự trình diễn mới cho Antigone. Với phong cách múa đương đại, bản dựng A Woman của các biên đạo Trần Minh Hải, Hoàng Thúy Hà, Phạm Thanh Hương tập trung khai thác sâu vào nội tâm của Antigone cũng rất đáng để mong chờ.

Ở hình thức thể hiện đa phương tiện trên nền tảng trực tuyến, dự án Âm Mù của XplusX Studio hứa hẹn một trải nghiệm kịch độc đáo hơn, khi khán - thính giả có thể tự do di chuyển giữa những không gian thảo luận số và không gian trình diễn, tự chọn vị trí tập trung trải nghiệm, từ những diễn biến bên trong lẫn bên ngoài sự kiện. Còn với đạo diễn Hà Thúy Hằng, vở dựng sẽ là một giả định vô cùng mơ hồ về các địa điểm, không gian vô định và khoảng cách… để làm rõ những suy ngẫm xung quanh cái chết của Antigone.

Những thảo luận bên lề 

Ngoài các vở dựng dưới nhiều góc nhìn và hình thức thể hiện khác nhau, Antigone cũng được giới thiệu đến độc giả Việt Nam qua các tiểu luận về sự tương đồng, giữa Antigone và các nhân vật nữ anh hùng từ trong lịch sử, hay với nhân vật nàng Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Từ đây khái quát vai trò và hình ảnh của người phụ nữ trong lịch sử và hiện tại, cũng như cách giải nghĩa mới cho viên ngọc quý của văn chương châu Âu theo góc nhìn Đông phương. 

Mới đây Nhà xuất bản Phụ nữ cũng ấn hành Yêu sách của Antigone - một trong những tác phẩm quan trọng của giới nghiên cứu học thuật bàn về vở kịch này suốt nhiều năm qua. Dưới ngòi bút khác lạ của Judith Butler - triết gia - nhà nghiên cứu giới có nhiều ảnh hưởng - nhân vật Antigone lại một lần nữa được phân tích và đưa ra ánh sáng. Trước Butler, Antigone từng được phân tích dưới nhiều hướng tiếp cận khác nhau, của cả Hegel và Lacan; nhưng chỉ cho đến khi tiểu luận của Butler xuất hiện, hướng quan điểm xuất phát từ nữ giới mới được củng cố.  

Có thể thấy, dù đã được viết cách đây hơn 2.500 năm, nhưng Antigone vẫn đầy biến động và xoay chuyển không ngừng. Với sự hợp tác của Viện Goethe, các đạo diễn trẻ cũng như Nhà hát Tuổi trẻ, từ sau dự án về Kiều hồi năm ngoái, Antigone được dự đoán sẽ tiếp tục là hành trình giao thoa văn hóa thú vị cho những cá nhân đam mê nghệ thuật, ham thích thể nghiệm. 

Theo Ngô Minh/PNO