Thứ hai, 13/1/2020, 14h40

Áo mới đón Tết xưa, Tết nay

Du xuân ti đưng hoa Nguyn Hu - TP.HCM

Người ta nói “Vui như Tết”. Thế sao Tết đến, có gì phải âu lo? Rõ ràng đây là cái Tết của người lớn, của cha mẹ, những người phải chuẩn bị nhiều thứ để rước Tết về nhà vào thời kinh tế còn nhiều khó khăn.

Đây dường như là một phần ký ức của Tết, ngược dòng thời gian cách đây ba, bốn thập kỷ, khi chúng tôi còn là những đứa trẻ. Hồi đó, cứ vào khoảng tháng chạp âm lịch, trong khi anh em chúng tôi hoàn tất những bài thi học kỳ I bậc tiểu học, ba má tôi lại bắt đầu những chuyến đi hàng Tết. Hàng Tết ở đây là dưa hấu. Đây là thứ trái cây người ta thường đặt trên bàn thờ gia tiên vào những ngày Tết. Ruột dưa đỏ ngụ ý bao điều may mắn cho một năm mới nên nhà nào cũng chuộng. Cúng đầu năm xong, người ta sẽ hạ dưa xuống, bổ ra mọi người cùng thưởng thức như món tráng miệng mát lành.

Hồi đó, ba má tôi đi theo những chuyến xe đò từ ngày hôm trước ngược lên An Khê, là vùng cao nguyên, nơi có những rẫy dưa người ta trồng để bán cho vụ Tết. Sang ngày hôm sau, từ tờ mờ sáng, chuyến xe dưa về tới thị trấn. Sau khi bốc hàng xuống tại một điểm nào đó, thường là một bãi đất trống, má tôi chạy về nhà đánh thức chúng tôi dậy ra phụ chia dưa để phân phối lại cho người bán lẻ.

Những ngày trước Tết ở miền Trung, thời tiết thật khắc nghiệt. Cỡ 5 giờ sáng tung chăn dậy, bước ra đường, phải nói là một thử thách ngay cả với người lớn, chứ đừng nói chi tới trẻ con. Bên ngoài trời lạnh đến 15-16 độ C kèm theo những cơn gió se sắt, lạnh đến thấu xương. Đang ngủ, chợt cảm thấy bàn tay lạnh giá lay lay vào người, thể nào tôi cũng lầu bầu một vài câu gì đó, rồi lăn người sang bên này, bên kia một hồi. Má tôi cứ để vậy, rồi sau cùng, bà dứt khoát hành động bằng cách lật tung chăn trên người chúng tôi. Không còn cách nào khác, ba anh em chúng tôi bật người dậy, chưa kịp đánh răng rửa mặt, vội khoác vào người chiếc ao len, choàng thêm chiếc khăn quanh cổ, đội nón lên và cứ thế mà bước ra đường, vừa đi vừa run cầm cập.

Hồi đó, những đứa trẻ chúng tôi chỉ cảm nhận được sự cơ cực của ba má tôi vào những ngày này. Mà không biết rằng, đằng sau nỗi cực đó là bao nỗi lo âu. Vì bán dưa chỉ là công việc thời vụ chứ không phải công việc chính của ba má tôi nên nó tiềm ẩn những rủi ro, tùy vào sức mua mỗi năm. Lo nhất là không bán hết dưa, phải chịu lỗ. Đó là một thảm họa. Hậu quả sẽ là một cái Tết kém vui cho cả gia đình.

Nếu bán được dưa, anh em chúng tôi sẽ có những bộ cánh mới. Mỗi đứa một bộ quần áo mới, đôi dép mới. Nhớ lại không khỏi buồn cười, cười đến rơi nước mắt. Giờ đây, cuộc sống hiện đại, mỗi năm trẻ con có đến ba, bốn bộ quần áo, có khi không kịp dùng đến hết lượt. Nhưng thời đó, chúng tôi chỉ được sắm thêm quần áo mới duy nhất vào dịp Tết. Thế nên, anh em chúng tôi ai cũng đợi mong vào khoảnh khắc đó. Để được khoác vào người bộ quần áo tinh tươm, được hít cái hương thơm của mùi vải mới.

Tôi còn nhớ như in kỷ niệm những ngày trước Tết thuở ấu thơ. Từ hăm mấy tháng chạp cho đến trước đêm 30, tối nào anh em chúng tôi cũng thử quần áo. Đó là những giờ phút rộn ràng và xôn xao nhất, là niềm hạnh phúc lớn lao đối với những đứa trẻ miền quê, mỗi năm mới có một lần. Lần lượt từng người sẽ thử đồ mới của mình, đi qua đi lại như diễn catwalk, trước những lời bình phẩm của khán giả là những người còn lại.

Thế rồi Tết cũng nhẹ nhàng đến. Ngày đầu năm, dắt chúng tôi đi mừng tuổi ông bà, đi lễ chùa hái lộc đầu năm, nhìn thấy những đứa con xúng xính trong những bộ quần áo mới, ba má tôi nở nụ cười thật tươi. Tôi biết rằng, cho tới khi đó, ba má tôi mới hết âu lo của những ngày Tết.

Giờ đây, khi đã có một gia đình riêng, tôi lại chạm đến những nỗi lo của vợ vào những ngày giáp Tết. Dù cuộc sống của chúng tôi không đến nỗi nào nhưng với người phụ nữ trong gia đình, cái Tết nào cũng là một nỗi lo. Đó có lẽ là thiên chức bao đời của người phụ nữ Việt Nam. Trong khi tôi bị cuốn vào những công việc tất bật cuối năm, vợ tôi ngồi tính toán từng đồng chi tiêu cho các khoản mua sắm vào những ngày trước Tết. Sắm sửa bánh trái, quà mừng Tết ông bà, mua cho con và mua cho mình vài bộ quần áo mới. Năm nào tiền thưởng cuối năm có hụt một tí, vợ sẽ bớt lại đồ áo mới cho mình để dành cho con. Còn đức lang quân thì mặc đồ đồng phục mới của cơ quan, coi như đồ Tết.

Về khoản đồ Tết cho con, không như thời chúng tôi, giờ vợ tôi sắm là sắm thêm cho con vui, báo cho con biết là đã gần đến Tết, chuẩn bị đón năm mới thì phải có quần áo mới. Và đã có một sự thay đổi lớn trong hình ảnh trẻ con đón Tết giữa hai thế hệ. Lúc con tôi ướm vào mình bộ đồ mới, tôi vẫn cảm thấy niềm vui tươi của trẻ con trong ngày Tết. Nhưng chắc chắn, con tôi sẽ không bao giờ nếm trải được cảm giác đặc biệt đến khó tả của chúng tôi vào một thời kỳ nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn.

Tháng chạp, kế bên nhà, hàng xóm mở bài nhạc: “Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi…!” với những giai điệu đầy vui tươi, rộn ràng. Trong nhà, vợ tôi thì tặc lưỡi đối lại: “Tết, Tết, Tết, Tết đến hoài…!”. Tôi nhìn vợ tôi và trong khoảnh khắc đó như nhìn thấy lại hình ảnh quen thuộc của ba má tôi ngày xưa.

Tết đã về. Niềm vui Tết trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc thời thơ bé. Vui với Tết, dù cuộc sống đã đủ đầy, tôi vẫn dặn lòng mình hãy đồng cảm với những người không có Tết. Vì khi Tết về, với người này là niềm vui, với nhiều người khác vẫn là nỗi âu lo hết sức hữu hình.

Tạp bút của Trn Văn Thưng