Thứ ba, 21/7/2020, 19h31

Áp lực thi cử, cần hay không?

Vấn đề đặt ra trên sẽ trái hẳn với suy nghĩ của nhiều người, khi luôn cho rằng cần phải giảm tải kiến thức chương trình, giảm áp lực trong học tập, thi cử để trút bớt gánh nặng đang đè trên vai cho người học. Còn tôi thì suy nghĩ khác, áp lực trong thi cử, ở một khía cạnh nào đó, vẫn có những mặt tích cực của nó. Tôi nhớ trước đây khi chưa có kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ), dư luận đặt ra vấn đề nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì nhiều lý do, GS. Nguyễn Minh Thuyết rất đúng khi cho rằng không thể có điều đó, không thể quá chiều chuộng con trẻ trong việc học. Chúng ta đã bỏ nhiều kỳ thi như tiểu học (lớp 5), THCS (lớp 9) so với trước đây. Nếu bỏ luôn kỳ thi THPT (lớp 12) thì việc học của con em chúng ta sẽ như thế nào? Những năm gần đây, cùng với việc đa dạng hóa loại hình đào tạo, trường ĐH mọc lên như nấm sau mưa, cuộc đua tuyển sinh giữa các trường trở nên khốc liệt nên cửa vào ĐH quá rộng mở. Vì vậy, việc học sinh vào ĐH dễ như vào trường phổ thông cấp 4. Nhiều học sinh chưa thi xong lớp 12 đã có một “vé” vào ĐH vì xét học bạ. Các em này cứ thế mà ung dung tự tại, ít lo lắng gì về thi cử, học hành, chỉ cần thi đủ điểm tốt nghiệp THPT là xong. Lời giải cho bài toán về chất lượng đầu vào, đầu ra của sinh viên một số trường ĐH hiện nay là ở đây.

Tình hình học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 vừa qua cũng cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Hãy khoan vội mừng cho nhà trường, học sinh, chúng ta trưởng thành hơn trong việc dạy và học trực tuyến. Ngay cả 2 địa phương được xem là tốt nhất, có điều kiện nhất như Hà Nội và TP.HCM, thì hiệu quả của việc học này chỉ ở mức trên dưới 50%. Cùng với đó là việc giảm tải nội dung chương trình của Bộ GD-ĐT vì dịch. Những tưởng sau dịch, học sinh quay trở lại trường sẽ phải được học với một năng suất cao hơn, một thái độ tích cực hơn. Nhưng vì thương học sinh, sợ sẽ tạo áp lực cho học sinh, các trường đã thực hiện kế hoạch dạy, kiểm tra giảm tải hết mức. Đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đơn giản, nhẹ nhàng. Chúng ta đang nợ một lỗ hổng kiến thức rất lớn cho học sinh lên lớp trên cho năm sau, cho học sinh lớp 12 khi vào ĐH vì dịch vừa qua. Và mối nguy cho học sinh lớp 1 năm nay lên lớp 2 năm sau mà không biết đọc là có thực. Vì vậy các trường dứt khoát phải dành thời gian cho việc ôn tập kiến thức trọng tâm từ đầu năm học trước khi học chương trình mới.

Nhìn vấn đề ở tầm vĩ mô, áp lực tích cực trong học tập, thi cử ở nhà trường là cần thiết. Nó sẽ “tôi luyện chất thép” cho học sinh, giúp các em chững chạc hơn để tự tin bước vào đời sau này!

Trn Nhân Trung (giáo viên THPT)