Thứ hai, 10/8/2020, 14h19

Bài thi Khoa học xã hội: Tự do ngôn luận vào đề thi giáo dục công dân

Theo nhiều thí sinh, bài thi khoa học xã hội với 3 môn thi sử, địa, giáo dục công dân kiến thức đều rất cơ bản. Trong đó địa, giáo dục công dân khá dễ, riêng sử hơi dài, kiến thức “nặng hơn” so với đề minh họa lần 2 của Bộ GD-ĐT.


Với bài thi KHXH, thí sinh dễ dàng ghi điểm ở 2 môn Địa, GDCD

Tại điểm thi Trường THPT Thủ Đức, thí sinh Thanh Ngân (Trường THPT Thủ Đức) cho biết, trong 3 môn Sử, Địa, GDCD thì Sử khó hơn so với đề minh họa, còn lại Địa và GDCD khá dễ. “Địa, GDCD em tự tin lấy được điểm 7, 8. Còn Sử chỉ có khả năng trên trung bình).

Làm rõ hơn, thí sinh Trần Phúc Điền (Trường THPT Bách Việt) cho hay, trong cả 3 môn thi thì GDCD, Địa lý rất vừa sức với học sinh, kiến thức rất nhẹ nhàng, thí sinh dễ dàng lấy điểm. Riêng đề thi Lịch sử đề cập kiến thức khá nặng. Trong đó, lịch sử thế giới đề cập kiến thức về thiên tai, các nước Liên Xô, Lịch sử Việt Nam lại đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc về phần lịch sử gia đoạn 1975, 1986, phần 3 tổ chức Đảng Cộng Sản. “Với đề Sử này, thí sinh phải nắm thật vững kiến thức trong chương trình học mới có thể làm được điểm cao”.

Trong bài thi Khoa học xã hội, đề thi GDCD có nhắc đến dịch Covid-19 về việc tự do ngôn luận, phát biểu ý kiến trong xã hội. Theo Phúc Điền và bạn bè, đây là phần kiến thức bám sát thực tế, đi từ kiến thức thực tế nên thí sinh dễ dàng lấy điểm. “So với đề minh họa thì Địa, GDCD khá cơ bản, bám khá sát, lấy điểm cao không khó. Đề thi Sử khó hơn đề minh họa nhưng cũng là các kiến thức cơ bản, không đánh đố”.

Bài, ảnh: Yến Hoa