Thứ ba, 19/5/2020, 10h08

Ban nhạc nhạc sĩ U50

Năm gương mặt của làng nhạc TP HCM 20 năm trước gồm: Tuấn Thăng, Minh Nhiên, Quốc An, Hoài An và Võ Hoài Phúc, chính thức tấn công thị trường nhạc Việt sau 20 năm gần như "ở ẩn"

Phòng trà online, dự án tái xuất của ban nhạc nhạc sĩ U50, với đêm diễn đầu tiên vào ngày 22-5 tới trên nền tảng Topliveshow.com. Đêm nhạc trực tuyến với tên gọi "Đêm nhạc sĩ", bao gồm những bản hit (ăn khách) của Tuấn Thăng, Minh Nhiên, Quốc An, Hoài An và Võ Hoài Phúc cùng 3 ca sĩ khách mời: Đàm Vĩnh Hưng, Maya và Đỗ Quyên, sẽ khơi gợi lại những ký ức âm nhạc thuở nào, khi cả 5 người vẫn còn là những cái tên đủ sức hút giới trẻ.

Kế hoạch dự phòng 6 tháng

Không vì lý do giãn cách xã hội mà 5 nhạc sĩ này quyết định thành lập ban nhạc rồi thực hiện chuỗi live show online. "Chúng tôi không chạy theo xu hướng mà vì khát khao trở lại làm nghề với đam mê, tâm huyết. Không vì doanh thu hay lợi nhuận" - nhạc sĩ Võ Hoài Phúc bày tỏ. Dù vậy, khi hòa nhạc trực tuyến đang dần trở thành hướng đi của tương lai trên khắp thế giới, "ban nhạc mới toe cao tuổi" này, cách gọi của nhạc sĩ Tuấn Thăng, cũng phải tham gia vào dòng chảy, guồng quay chung của thị trường âm nhạc.

Đêm diễn đầu tiên của nhóm sẽ dành để tri ân khán giả với những ca khúc gắn liền tên tuổi của 5 nhạc sĩ sẽ lần lượt ra mắt người nghe: "Cây đàn sinh viên", "Cám ơn con nhé", "Tình thơ", "Xin lỗi anh", "Hoang mang", "Vô cùng", "Mong chờ", "Bao giờ người trở lại", "Cô đơn mình anh", "Tình yêu không có lỗi", "Ngộ"… Tuy nhiên, đây cũng là buổi diễn thăm dò khán giả. Bởi chiến lược của dự án "Phòng trà online" là biểu diễn trực tuyến thu phí với mức giá 100.000 - 150.000 đồng/tài khoản.

Mô hình kinh doanh biểu diễn online có thu phí này, ca sĩ Tuấn Hưng đã tiên phong và kết quả thu về không thực sự khả quan. Nhất là khi khán giả Việt vẫn chưa quen hình thức biểu diễn nghệ thuật kiểu này, hơn nữa hiện Việt Nam có quá nhiều hình thức giải trí miễn phí dành cho khán giả lựa chọn. Tuy nhiên, nhạc sĩ Minh Nhiên cho hay ban nhạc đã tiên liệu mọi tình huống, thậm chí xấu nhất có thể xảy ra. "Thế nên, chúng tôi đã có sẵn một khoản kinh phí dự phòng để ban nhạc cùng dự án của mình có thể chi phí hoạt động trong 6 tháng. Chúng tôi cũng không đặt mục tiêu doanh thu qua những đêm nhạc của mình. Điều chúng tôi muốn đưa đến cho khán giả là cảm giác hài lòng khi thưởng thức âm nhạc thực sự" - nhạc sĩ Minh Nhiên nói.

Các thành viên ban nhạc cho rằng âm nhạc đang bị chi phối quá nhiều bởi công nghệ. Đó là một bước tiến cần thiết nhưng lại làm giảm đi giá trị thụ hưởng trong thưởng thức âm nhạc của công chúng. Tức là khi chúng ta nghe một tiết mục được biểu diễn live (sống) đem lại cảm giác hoàn toàn khác với thưởng thức âm nhạc được xử lý qua phòng thu thanh. Sự hứng khởi, cảm xúc chắc chắn khác nhau. Tham vọng của "ban nhạc trẻ nhiều tuổi" này chính là đi tìm lại những ký ức thưởng thức âm nhạc thực thụ của những thập niên trước đây. "Âm nhạc vẫn luôn hòa cùng dòng chảy thời cuộc để không xa rời đời sống và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Suy cho cùng, bên cạnh việc mang đến những giai điệu đẹp, cập nhật những xu hướng âm nhạc mới, người sáng tác cũng cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua những tác phẩm âm nhạc. Chúng tôi muốn gửi đến khán giả những sáng tác mang tinh thần lạc quan, xua đi muộn phiền, khó khăn, hướng đến tương lai xanh tươi, an lành" - nhạc sĩ Quốc An bày tỏ.

Từ trái sang: Minh Nhiên, Võ Hoài Phúc, Tuấn Thăng, Quốc An và Hoài An - các thành viên của ban nhạc nhạc sĩ. Ảnh: Khánh Trình

Cần thiết cho sự cân bằng

Thực tế, sự trở lại với đời sống âm nhạc của 5 nhạc sĩ này không gây bất ngờ. Bởi trước đó, nhiều giọng ca tên tuổi của nhạc Việt thập niên 1980-1990 đã trở lại với nhiều kế hoạch cùng tham vọng vẽ lại diện mạo nhạc Việt ở thời kỳ đỉnh cao: cả người chơi nhạc lẫn người nghe đều thỏa mãn đam mê trong không gian âm nhạc sống động. Hoàng Bách thành lập ban nhạc BACH 20. Đình Bảo với chuỗi chương trình mang tên "Đình Bảo The Story". Lam Trường với "Lam Trường live 9PM". Phương Thanh với "Ngược dòng Nguyên Hương". Thanh Thảo với "Thanh Thảo Vlog"… Những nỗ lực này nhằm khơi gợi lại các ký ức âm nhạc đẹp, thời nhạc Việt thuyết phục được cả những khán giả khó tính nhất. Đó không phải là hành trình tìm lại vinh quang của các ngôi sao xưa mà còn là thái độ ứng xử của họ trước tốc độ phát triển đến khó hiểu của nhạc Việt hiện tại.

Với sự thay đổi của nền công nghiệp âm nhạc thế giới, MV (music video) đang dần xóa bỏ các sản phẩm âm nhạc MP3. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi nhu cầu và đòi hỏi của khán giả ngày càng cao, không chỉ nghe mà còn mong đợi vào sự sáng tạo và đầu tư của ca sĩ đối với phần nhìn trong sản phẩm âm nhạc của họ. Thế nhưng, sự phát triển ồ ạt, chạy theo hình thức mới lạ trong phần nhìn, bỏ quên chăm chút phần nghe, chính ca sĩ cũng đang làm cho thị trường nhạc Việt biến màu. Công chúng yêu nhạc không còn tìm thấy những ca khúc làm xao động lòng người, thay vào đó là những thước phim được đầu tư hoành tráng, những bộ phim ngắn nhằm thu hút người xem, âm nhạc chỉ làm nền cho phần hình ảnh.

Vì vậy, theo các nhà chuyên môn, sự tái xuất của các ngôi sao kỳ cựu với những tác phẩm âm nhạc chất lượng cao trở nên cần thiết cho một thị trường nhằm cân bằng trở lại. 

Hoạt động để tôn vinh âm nhạc

Với sự bảo thủ và thận trọng vốn có, những ngôi sao kỳ cựu này không "chơi lớn" như cách đầu tư của nhiều ngôi sao trẻ hiện nay. Nhưng họ lại có ưu thế trong việc định hình sắc màu âm nhạc mang đến khán giả. "Điều chúng tôi muốn là tạo nên một mô hình hoạt động tôn vinh âm nhạc. Chúng tôi sẽ kinh doanh chính mình bằng cách tổ chức sô và biểu diễn khi có yêu cầu. Tức chỉ cần một lời mời, chúng tôi sẽ khăn gói lên đường với nhạc cụ và trí tuệ của chính mình. Chúng tôi hát nhạc của mình, chơi nhạc thực sự chứ không viện vào công nghệ để chạy sô. Đó chính là tiêu chí hoạt động của ban nhạc" - nhạc sĩ Hoài An giãi bày.

Theo Thùy Trang/NLĐO