Thứ tư, 6/8/2008, 11h10

Bản sắc nào cho phim truyền hình Việt?

VTV1: chính luận, VTV3: giải trí, HTV9 (phim của TFS): xã hội, thời sự; HTV7: phim "thời trang"?

Nhìn vào bức tranh của phim truyền hình Việt hiện nay, có thể thấy sự phân chia những dòng phim tương đối rõ rệt. Nhưng mỗi dòng phim trên truyền hình Việt hiện đã có bản sắc chưa?

Còn nhớ hơn năm năm trước, những Mẹ chồng tôi, Những ngọn nến trong đêm, 12A và 4H, Xin hãy tin em, Những người sống quanh tôi, Phía trước là bầu trời... chiếm lĩnh hoàn toàn "mặt trận" phim truyền hình và để lại ấn tượng trong lòng khán giả yêu phim Việt. Những tên tuổi đạo diễn và diễn viên cũng thành "ngôi sao" từ đó: Chiều Xuân, Đỗ Thanh Hải, Mai Thu Huyền... Những bộ phim được làm đàng hoàng tử tế ấy đã tạo nên một phong cách riêng cho phim Văn nghệ chủ nhật.

Nhận diện các dòng phim

Phim Chạy án thuộc dòng phim chính luận rất được khán giả yêu thích trên sóng VTV1- Ảnh: VFC cung cấpThời gian gần đây, những bộ phim được phát lúc 20g10 trên kênh VTV1 vô hình trung đã tạo ra một dòng phim chính luận và trở thành "đặc sản" của phim truyền hình Việt: Ma làng, Luật đời, Chạy án 1 và 2... Nghĩ đến phim VTV1, khán giả nghĩ ngay về một dòng phim mang tính thời sự, phản ánh những vấn đề thời cuộc nóng bỏng hoặc những bức xúc dân sinh, những câu chuyện của quá khứ nhưng vẫn có giá trị soi rọi cho hiện tại...

Với những phim về đề tài giới trẻ, dù còn lời khen tiếng chê nghịch chiều thì những Chàng trai đa cảm, Vòng nguyệt quế cũng có lối đi riêng, không bị sa vào hiện tượng phim cười cười cợt cợt rồi thôi.

Trong khi đó, "đóng đô" ở kênh VTV3 là hai phim chạy marathon: Cô gái xấu xí (169 tập) và Những người độc thân vui vẻ (dự kiến 500 tập). Chiếm giờ vàng sóng VTV3 có thể sẽ đến hơn hai năm, hai bộ phim dông dài này làm khán giả buộc phải nghĩ rằng dòng phim của VTV3 sẽ là những phim giải trí kiểu xem xong rồi thôi và thể loại được chọn lựa của dòng phim này là sitcom (kịch hài tình huống) hay tele novela (tiểu thuyết truyền hình) chứ không phải là tivi series (phim truyện truyền hình).

Ở phía Nam, khung giờ "truyền thống" là 18g trên kênh HTV9 đài truyền hình TP.HCM trước đây vốn định hình với dòng phim do Hãng Phim truyền hình TP.HCM (TFS) thực hiện, nay bị "chia năm xẻ bảy" cho các hãng tư nhân tham gia. Tất nhiên, xu hướng xã hội hóa là đòi hỏi tất yếu. Nhưng không ít khán giả đang hoài nhớ những bộ phim "dù không hay thì vẫn chỉn chu" của hãng phim này. Nhất là khi từ đây cho đến cuối năm phim do TFS dù đã sản xuất nhưng vẫn phải xếp kho chờ sóng.

Phim Nữ bác sĩ của TFS đoạt huy chương vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 27 -Ảnh: TFS cung cấpBắt đầu từ phim Vòng xoáy tình yêu; 21g20 các tối cuối tuần từ thứ năm đến chủ nhật đã trở thành giờ vàng của kênh HTV7, cũng là giờ vàng đầu tiên của Đài truyền hình TP.HCM, hình thành dòng phim giải trí thuần túy. Sau "hương vị lạ” gây không ít dư luận này, khung giờ đẹp 21g20 đánh dấu sự chiếm sóng của các phim giải trí thuần túy, chất lượng chuyên môn ít nhiều báo động. Ngoại trừ bộ phim "sạch nước cản" là Gọi giấc mơ về, còn lại những Mộng phù du, Anh chỉ có mình em, Một ngày không có em... đều gặp phải những phản ứng trái chiều của khán giả.

Khi hai khung 18g trên HTV9 và 21g20 trên HTV7 bắt đầu chật hẹp, Đài truyền hình TP.HCM lấy lại giờ phim dành cho phim nước ngoài để mở ra tiếp khung giờ thứ ba cho phim truyền hình Việt: 22g30. Hãng phim Hành Tinh Xanh với Kiều nữ và đại gia đã khai phá vệt giờ mới này và gián tiếp biến nó thành một kiểu giờ vàng nữa cho phim Việt. Chẳng biết vô tình hay cố ý, các phim tiếp nối cũng tạo nên phong cách giải trí thuần túy. Tình yêu pha lê, Tình yêu còn lại, rồi Lọ lem thời @, Mùa chim én xôn xao (vừa kết thúc) đều khiến khán giả ngán ngẩm với diễn xuất chưa tốt, lời thoại nhiều lúc ngây ngô, cách thoại như đọc bài đều đều, những khuôn hình được quay vội vã...

Sẽ định hình những phong cách riêng?

Các giờ vàng của phim truyền hình Việt

 Đài truyền hình TP.HCM: 18g các ngày trong tuần trên kênh HTV9, 21g20 các ngày từ thứ tư đến chủ nhật trên kênh HTV7, 22g30 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Đài truyền hình VN: 20g10 các ngày từ thứ hai đến thứ sAáu trên kênh VTV1, 21g các ngày thứ hai đến thứ sáu trên kênh VTV3.

Sự bùng nổ các giờ phim trên sóng VTV và HTV đã dẫn đến cạnh tranh giành khán giả trong âm thầm. Không phải ngẫu nhiên mà phim trên VTV1 ngày càng được khán giả ủng hộ. Sự trông đợi vào VTV1 có một lý do hết sức đơn giản là vì chỉ có kênh này còn trung thành với dòng phim chính luận, mang tính xã hội sâu sắc. Tuy nhiên, do khung giờ phát phim sớm hơn VTV3 và HTV7, HTV9; dòng phim của VTV1 chỉ phải cạnh tranh với các chương trình truyền hình như game show là chủ yếu. Còn lại phim trên VTV3 và HTV7 vệt giờ 21g lại có phong cách gần giống nhau.

Sự mỏi mệt của khán giả trước hai bộ phim dài hàng trăm tập như Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ đang tăng dần đều. Hai phim đều mua kịch bản từ nước ngoài về Việt hóa, việc nội dung câu chuyện bị đuối đã đành, hiện tượng diễn viên ngày càng rơi rụng nét duyên, sự tích cực trong diễn xuất lại càng đáng báo động. Nếu không có sự thay đổi tích cực, mạnh dạn từ phía nhà sản xuất phim lẫn nhà quản lý khung giờ, việc giờ vàng của phim VTV3 sẽ mất khán giả là điều có thể nhìn thấy được.

Ở phía Nam, không ít khán giả tiếc nuối trước những bộ phim khá mờ nhạt của TFS như Hộ chiếu vào đời, Xin lỗi tình yêu, A cappella (liên kết với Công ty Cát Tiên Sa sản xuất), Nguyệt quán (liên kết với BHD sản xuất)... Tuy nhiên công bằng mà nói, hầu hết phim của TFS dù chưa thật sự hay hoặc chưa trội hẳn cũng là những phim được thực hiện bằng một thái độ làm nghề đầy trân trọng. Những Ngọn nến hoàng cung, Dưới cờ đại nghĩa, Hương phù sa, Nữ bác sĩ đều đáng xem và tạo nên một phong cách chuẩn mực cho phim truyền hình phía Nam. Thế nhưng đáng tiếc là hơn một năm trở lại đây TFS đã phải chia sóng cho các phim khác, không cùng phong cách.

Có nhà sản xuất mượn lời của nhà văn Lỗ Tấn nói về việc đi mãi sẽ thành đường để an ủi rằng thời "trăm hoa nở rộ, trăm nhà làm phim" này có tác dụng tích cực là sẽ định hình thành những phong cách riêng của từng dòng phim. Thì thôi, khán giả âu đành sẽ phải... đợi. Nhưng nếu thời gian đợi ấy quá dài, chiếc remote sẽ chỉ dừng lại ở những bộ phim được làm đàng hoàng tử tế mà thôi.

NGUYỄN TRỰC (tuoitre.com.vn)