Thứ sáu, 4/10/2019, 09h55

Bạn trẻ đừng nhảy việc chỉ vì bốc đồng

'Bốc đồng, nghe lời rủ rê nghỉ việc của bạn, hay đứng núi này trông núi nọ..., bạn sẽ không học hỏi được gì kể cả đi 5 hay 10 công ty'.
Các bạn trẻ cần cố gắng học hỏi kinh nghiệm nơi mình làm việc /// Tấn Đạt
Các bạn trẻ cần cố gắng học hỏi kinh nghiệm nơi mình làm việc. Tấn Đạt
Học được kinh nghiệm... mới nhảy việc
Anh Trần Minh Hoàn, Trưởng nhóm đội kỹ thuật Nhà máy 3 Công ty Sài Gòn Precision, kể lại: “Khi ra trường mình không quan trọng đến lương bổng. Kiếm công ty nước ngoài làm, người ta kêu gì làm nấy, có công ty làm 2 tháng, 4 tháng cao lắm 2 năm là nghỉ, nhưng bản thân mình luôn xác định đi làm để tích lũy kinh nghiệm về sau. Hiện tại mình làm công ty chuyên về robot nên rất thích những bạn trẻ có sự sáng tạo và biết nhiều kiến thức về chuyên ngành của mình. Mỗi khi tuyển dụng, nhìn hồ sơ bạn nào từng làm ở nhiều công ty thì mình rất thích vì những bạn đó sẽ đưa ra những kỹ thuật, ý tưởng mới sáng tạo trong công việc”.
Anh Hoàn nhấn mạnh: “Cảm thấy bản thân cần chuyển qua một công ty khác để học hỏi kiến thức mới, để thăng tiến, hay tìm một vị trí lương cao hơn với những gì mình làm được..., đó là những bạn có định hướng rõ ràng. Chứ ăn nói bốc đồng với sếp, hay nghe lời bạn rủ rê nghỉ việc qua công ty khác làm hoặc đứng núi này trông núi nọ thì bạn sẽ không học hỏi được gì kể cả đi 5 hay 10 công ty”.
Chị Tạ Đặng Bích Phương, nhân viên hỗ trợ nhân sự Công ty Prime Labo, cho biết: “Đối với mình phải làm ít nhất một năm trở lên mới nhảy việc nếu có cơ hội, bởi vì khi đó mình đã có sự trải nghiệm ở vị trí mà mình làm. Sau này đến nơi làm mới, mình sẽ rút được kinh nghiệm để gắn bó lâu dài và bền hơn”.
Các bạn phải xác định được định hướng nghề nghiệp của bản thân như thế nào để chọn những vị trí công việc phù hợp. Chị Đỗ Thị Bảo Trân, giám sát tuyển dụng và đào tạo Công ty Sinion Việt Nam, chia sẻ: “Quan trọng nhất là các bạn phải học hỏi kinh nghiệm ở vị trí mình làm rồi hãy tìm kiếm một công việc khác nếu có chỗ lương cao và công việc phù hợp hơn...”.
Nhà tuyển dụng “kén chọn” những bạn hay nhảy việc
Chị Bảo Trân cho biết ở công ty chị có những bạn vì một vấn đề rất nhỏ nhưng sức chịu đựng không cao rồi xin nghỉ việc. Sau đó các bạn thấy tiếc và muốn quay trở lại công ty. “Có nhiều bạn chuyển qua công ty khác chỉ khoảng một năm, hay nửa năm lại quay về ứng tuyển công ty cũ. Lần này các nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi những người trở lại phải có những giá trị cao hơn lúc ban đầu”. Chị Trân chia sẻ.
Chị Tạ Đặng Bích Phương tâm sự công ty chúng tôi không thích những bạn hay nhảy việc vì mỗi lần như vậy sẽ mất thời gian đào tạo lại nhưng không biết các bạn có gắn bó với công ty lâu dài không. “Vì vậy, với những bạn nhảy việc rồi quay lại ứng tuyển, công ty sẽ phỏng vấn nhiều hơn, đồng thời xác định định hướng của các bạn có phù hợp với tiêu chí công ty đặt ra hay không nhằm hạn chế rủi ro về sau”, chị Bích Phương cho biết.
Chị Hà Phương Anh, nhân viên phòng nhân sự Công ty Tokin Electronics, cho hay nhà tuyển dụng rất “kén chọn” những bạn hay nhảy việc vì họ không biết lý do thật sự của bạn là gì và sau này bạn có nhảy việc nữa hay không. “Khi làm hồ sơ xin việc các bạn nên liệt kê những vị trí công việc đã trải qua và cụ thể đã làm được gì chứ đừng ghi tên những công ty đã từng làm một cách sáo rỗng. Có như vậy nhà tuyển dụng mới dễ dàng xác định được năng lực và sắp xếp bạn đúng vào vị trí mà bạn mong muốn”.
Theo Tấn Đạt/TNO