Thứ năm, 6/10/2022, 16h43

Báo chí phải thay đổi để tồn tại, phát triển và vươn lên

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã nhấn mạnh vấn đề này tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025, do UBND TP.HCM tổ chức sáng 6-10.


Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, lãnh đạo TP và Trung ương luôn mong muốn hệ thống báo chí cách mạnh ngày một phát triển mạnh và mạnh mẽ hơn nữa để tiếp tục vai trò dẫn dắt, là cầu nối giữa hệ thống chính quyền với người dân; cũng như thể hiện hình ảnh TP và đất nước ra trường quốc tế.

Ông đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP tiếp thu, hoàn thiện báo cáo sơ kết, trong đó lưu ý đánh giá sâu hơn nữa những kết quả của giai đoạn 1 thực chất, rõ ràng để chuẩn bị các bước và có những đề xuất hợp lý cho giai đoạn 2.

“Lộ trình phải hợp lý, hợp tình, quan trọng nhất phải thực sự hướng đến việc tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí của TP tiếp tục phát triển và phát triển mạnh”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, thực tế quá trình thực hiện sắp xếp, quản lý các cơ quan báo chí nếu không có sự quan tâm giải quyết sẽ gặp khó khăn. Hiện nay đang có sự nhùng nhằng, vướng mắc giữa các quy định đối với cơ quan báo chí và đơn vị sự nghiệp công lập. Khi TP xử lý tham mưu giữa Sở TT-TT và Sở Nội vụ cũng gặp vấn đề và chỉ có thể giải quyết được bằng quy định. Do đó, TP mong Bộ TT-TT lưu ý trong quá trình đề xuất những điều chỉnh trong Luật Báo chí.

Mặt khác, cần phân biệt rõ hai loại hình hiện nay đó là các tạp chí khoa học và phần còn lại. Hai loại hình này hoạt động bằng những cơ chế hoàn toàn khác nhau, vai trò rất khác nhau khiến cho Việt Nam rất khó được một tạp chí khoa học có vị trí cao ở trên trường thế giới. Do vậy, TP cũng đề xuất Bộ TT-TT và Bộ Khoa học Công nghệ có sự làm việc và lắng nghe ý kiến các trường đại học, các viện nghiên cứu để có một đề xuất điều chỉnh trong luật cho phù hợp.

Ông cũng cho rằng, không nên tuyệt đối hóa khi đưa ra các quy định quản lý, quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn mà gần như giống nhau. Giữa các loại cơ quan báo chí khác nhau cần lưu ý tính đặc thù để làm sao các quy định đi vào thực tiễn một cách hợp lý như độ tuổi, tiêu chí, tiêu chuẩn về trình độ chính trị… Và quan trọng nhất là tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí được phát triển đúng định hướng và phát triển mạnh, ở đó cần có người đứng đầu giỏi, có năng lực quản lý và thúc đẩy phát triển đơn vị. Mặt khác, việc sắp xếp các cơ quan báo chí giữa TP.Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành khác cũng phải khác nhau.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP, hiện nay các cơ quan báo tiếng, báo hình, báo chữ khi muốn mở rộng hoạt động theo xu thế phát triển của thế giới nhưng đang vướng quy định. Đơn cử, các kênh truyền hình pháp luật xét theo quy định là sai quy định nhưng nhu cầu phục vụ người xem rất cao. Ngược lại, báo tiếng cũng cần có những bài viết chứ không đơn thuần là lời phát thanh. Do đó, về mặt cấp phép, TP đề xuất Bộ TT-TT xem xét tạo cơ chế linh hoạt hơn, có như vậy mới cởi trói được cho các cơ quan phát huy tối đa năng lực của mình.

Đối với các cơ quan báo chí, ông Dương Anh Đức mong phải có sự chủ động nắm bắt xu thế và không thể đi ngược trước sự thay đổi của thời cuộc. Phải tồn tại, thích ứng với công cuộc chuyển đổi số, với sự thay đổi của thị hiếu, thói quen bạn đọc như vậy mới phát triển được.


Toàn cảnh Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025

“Hiện nay xu thế báo in giảm mạnh là không tránh khỏi nhưng không thể cứ tiếc nuối mãi một thời hoàng kim. Nếu không thay đổi thì sẽ không tồn tại, phát triển và vươn lên. Đương nhiên, phía lãnh đạo TP cũng sẽ có sự đồng hành cùng các cơ quan báo chí, truyền thông và sẽ tìm hướng phát triển hơn”, ông Đức cho biết; đồng thời ông cũng mong tiếp tục có sự đồng hành, chia sẻ hỗ trợ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT như trong suốt thời gian qua.

Trên địa bàn TP.HCM hiện đang có 19 cơ quan báo chí TP, 167 cơ quan đại diện báo chí Trung ương và các địa phương khác với quy mô lớn. Ông Đức đề nghị Sở TT-TT mạnh mẽ sử dụng những quyền mà Bộ TT-TT, Trung ương đã giao, ủy quyền cho TP, các tỉnh thành để thực hiện tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của mình.

Theo báo cáo từ Sở TT-TT, sau 2 năm triển khai đề án, với sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời cùng sự tham gia nghiêm túc của các đơn vị, Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025 đã hoàn tất giai đoạn 1.

Trong giai đoạn 1 triển khai đề án, TP thực hiện sắp xếp hệ thống cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn dưới hình thức chuyển đổi cơ quan chủ quản, mô hình hoạt động, sáp nhập từ 27 cơ quan báo chí sắp xếp còn 19 cơ quan. Hiện nay về cơ bản việc sắp xếp trong giai đoạn 1 đã hoàn thành. Cụ thể, có 25/27 cơ quan báo chí đã hoàn thành việc sắp xếp (đạt tỉ lệ 92,59%), còn 2/27 cơ quan báo chí đang sắp xếp (Báo Tuổi trẻ, Báo Cựu chiến binh TP), tỉ lệ 7,4%.

Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở TT-TT, Tổ phó Tổ công tác đề án nhìn nhận các cơ quan báo chí sau khi sắp xếp đã nhanh chóng đi vào ổn định, hoạt động bình thường, tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo công tác tổ chức, nhân sự, tài chính không xảy ra vướng mắc. Mặt khác, xây dựng kế hoạch hoạt động hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo yêu cầu mới. Sắp tới, tiếp tục triển khai đoạn 2 của đề án, các cơ quan báo chí đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả.

N.Trinh