Thứ bảy, 19/6/2021, 14h32

Báo chí thời dịch Covid-19

Tôi không làm báo nhưng có nhiu bn bè làm báo. Trong khong mt năm rưi va qua, vi s bùng phát ca dch Covid-19, báo chí đã chu s tác đng không nh. Điu rt tích cc là trong bi cnh đó, vai trò ca báo chí li càng đưc th hin rõ hơn…


Phóng viên tác nghip ti đim ly mu liên quan đến chui ca nhim đim nhóm Hi thánh truyn giáo Phc hưng. Ảnh: Dương Thương

1. Một trong những tác động đầu tiên là sự sụt giảm nhanh của báo in. Loại hình báo chí này đã chịu thử thách rất lớn của báo điện tử và đang trong tình trạng thoái trào ngày càng rõ nhưng dịch gần như đóng vai trò “giọt nước làm tràn ly”. Hồi tháng 3-2020, một phóng viên của tờ Vietnam News đã nhiễm Covid-19 sau khi phỏng vấn một cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam, người sau đó đã được phát hiện bị nhiễm bệnh. Vụ việc này cho thấy, với đặc thù công việc của mình, phóng viên được đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm rất cao, tức là đối tượng có nhiều rủi ro trở thành bệnh nhân. Rất may đây là trường hợp phóng viên trong nước bị nhiễm bệnh duy nhất cho đến thời điểm này. Dẫu vậy, tờ Vietnam News phải ngưng phát hành bản in trong 16 ngày vì gần như toàn bộ tòa soạn đã có tiếp xúc gần với phóng viên đó.

Tuy nhiên, ảnh hưởng trên tuy khá nghiêm trọng với một tờ báo cụ thể nhưng với bình diện chung của báo chí đó chưa phải là nặng nề nhất. Trong đợt cao điểm của dịch, người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường nếu không cần thiết, một số hoạt động buôn bán trên lề đường cũng được yêu cầu nghỉ thì các sạp báo vốn đã vắng giờ càng vắng hơn. Đến giờ, chưa có ai thống kê xem TP.HCM từng có bao nhiêu sạp báo và đến nay còn bao nhiêu sạp, số lượng giảm đi là do đâu. Nhưng chắc chắn rằng, trong số các nguyên nhân giảm đi đó có nguyên nhân do dịch Covid-19. Chính thời gian hạn chế ra đường, nhiều người đã chuyển sang đọc báo điện tử và làm cho họ mất đi thói quen đọc báo giấy; khi ngưng giãn cách xã hội thì số sạp báo đã giảm đi càng thúc đẩy việc tiếp tục “đoạn tuyệt” với báo giấy. Đã vậy, ở những sạp báo còn lại, số lượng và số loại báo xuất hiện cũng giảm đi rất nhiều. Có những tờ báo từng đình đám giờ không còn thấy trên sạp nữa, người đọc muốn tìm mua thì chỉ có thể đến một số điểm rất hạn chế hoặc chỉ có thể đọc tại… cơ quan! Khi sự phong phú không còn, người mua ít có lựa chọn và vì thế họ càng ít muốn ghé lại các sạp báo, trừ khi có những vụ việc gì nổi trội phải tìm cho được tờ báo giấy để cảm nhận được mức độ của nó và sau đó giữ tờ báo làm tư liệu. Điều đáng nói nữa, với sự thoái trào của báo in, một hoạt động từng rất sôi động là bán báo dạo ở các đô thị, đặc biệt là TP.HCM, thì hiện nay đã hoàn toàn mất dạng. Có điều, trong chúng ta gần như ai cũng nhận ra điều đó nhưng ít người xác định được rằng liệu người bán báo dạo thực ra bắt đầu ít xuất hiện từ khi nào và đến thời điểm nào thì vắng bóng. Điều này tưởng chừng như không có ý nghĩa gì nhưng thực ra nó như một hàn thử biểu đo lường vai trò, vị trí của báo giấy, đồng thời là một nét văn hóa độc đáo tại nhiều nơi.

2. Trong dịch, ở nhà nhiều, nhiều người có thời gian xem truyền hình hơn. Dường như điều này giúp truyền hình phần nào lấy lại vị thế của mình. Tuy nhiên, do không cập nhật thông tin nhanh như báo điện tử, truyền hình vẫn có những yếu thế đáng kể. Chẳng hạn, với các bản tin phát định kỳ ít nhất là hàng giờ, hoặc chỉ vài lần mỗi ngày, công chúng không còn trông đợi các chương trình thời sự của truyền hình nữa, trừ khi cần xem… chân dung các nhân vật mà mình quan tâm! Họ chọn các tin trên báo điện tử. Còn với truyền hình, nhiều người thích xem các chương trình giải trí hoặc có tính chất giải trí hơn, các gameshow, talk show, phim, sân khấu, ca nhạc… Có đài truyền hình nọ “sống khỏe” nhờ vào các gameshow ca nhạc, được biến tướng biến hình đủ kiểu. Kể cả các chương trình truyền hình trực tiếp cũng không còn sức hút như trước, bởi tính độc quyền và tức thì của nó đã bị các loại hình khác chia sẻ. Một bộ phận đáng kể công chúng báo chí đã chuyển sang xem truyền hình trên… YouTube, bởi họ có thể xem lúc nào cũng được mà không bị lệ thuộc khung giờ, có thể xem đoạn nào mình thích mà không phải mất nhiều thời gian cho nó và dĩ nhiên có thể chọn chương trình mình xem, không phải canh giờ hoặc tìm lịch phát sóng của đài truyền hình. Rất nhanh, các đài truyền hình đã có tài khoản trên YouTube và một số đài khác còn cho lên ứng dụng trên điện thoại di động (app) để người ta có thể xem ở mọi nơi, mọi lúc.

Để dành nhiều thời gian xem truyền hình thì rất ít người còn nghe phát thanh. Chỉ có người đi ô tô là hay nghe các chương trình giao thông và ca nhạc. Và rất nhanh, các đài phát thanh cũng hướng nhiều đến đối tượng thính giả này trong nỗ lực duy trì một lượng người nghe nhất định, bên cạnh việc tăng cường phát sóng trên nền tảng internet. Dĩ nhiên, báo điện tử trong thời gian dịch bệnh đã phát triển thêm một bước, dần chiếm lĩnh thêm công chúng báo chí vốn trước đây còn thuộc các loại hình báo chí khác. Tin tức nhanh chóng, kịp thời, lại tích hợp nhiều loại hình trong nó (hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa…) nên ngày càng thu hút được nhiều người xem. Các báo in cũng phải chạy theo phát triển loại hình điện tử và có tờ báo còn lấy nó làm thế mạnh để thu hút quảng cáo, trong khi số lượng ngày càng sụt giảm và quảng cáo trên báo giấy cũng giảm theo. Có tờ báo thậm chí còn “bình dân hóa” cách đưa tin để thu hút độc giả bình dân.

3. Đến tháng 5-2021, một bộ phận phóng viên đã được tiêm ngừa Covid-19. Đó là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ những người xung kích, đi đầu trong công tác thông tin, nhất là với các địa phương thậm chí còn chưa triển khai tiêm ngừa cho lực lượng cán bộ lãnh đạo chủ chốt. TP.HCM là một địa phương như vậy với những phóng viên trực tiếp tác nghiệp đã được tạo điều kiện để tự bảo vệ mình. Điều này có ý nghĩa rất tích cực, không chỉ giúp bảo vệ một trong những lực lượng tuyến đầu và thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao mà còn thể hiện sự coi trọng báo chí cũng như người làm báo của lãnh đạo thành phố.

Nhưng sự cạnh tranh quyết liệt của báo chí trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn ra dài lâu. Các loại hình báo chí phải cạnh tranh với nhau bằng nhiều hình thức; báo in trong lúc rất khó khăn vẫn tìm mọi cách để duy trì vai trò và sự hiện diện của mình. Trên thực tế, một số tờ báo đã vực dậy thành công nhờ vào các hoạt động gắn với an sinh xã hội, đặc biệt là liên quan đến dịch Covid-19. Báo chí cũng còn phải cạnh tranh với mạng xã hội, bởi có những thông tin báo chí chưa kịp phát hiện hoặc đã phát hiện nhưng chưa kịp đăng, hay có trường hợp có chỉ đạo thận trọng, thì mạng xã hội đã đăng rồi. Vài lần thì không kể, nếu việc này cứ diễn ra thường xuyên thì vai trò của báo chí đương nhiên sẽ bị mạng xã hội lấn át. Đây là vấn đề thực sự không nhỏ! Đó là chưa kể nếu dịch bệnh tái diễn nhiều lần, kinh tế trì trệ thì hoạt động của báo chí cũng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng do sự tiết kiệm của xã hội và sụt giảm quảng cáo. Vì vậy, chúng ta cùng mong mỏi dịch bệnh sớm được đẩy lùi để xã hội trở lại bình thường và báo chí cũng trở nên khởi sắc hơn!

Trnh Minh Giang