Thứ sáu, 15/10/2021, 10h40

Bảo tàng Huế chưa hết phận long đong

Huế nổi tiếng là vùng đất của văn hóa, di sản. Tuy nhiên việc ứng xử đối với các bảo tàng công lập hiện có lại là điều đáng buồn tại địa phương này.

Bao giờ thoát cảnh “ăn nhờ ở đậu”?

Thừa Thiên - Huế có đến năm bảo tàng công lập, hai bảo tàng ngoài công lập, nhưng chỉ có một trong số đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng đúng nghĩa. Đây cũng là bảo tàng duy nhất được xây dựng, nhưng cũng đã từ cách đây 20 năm. Các bảo tàng còn lại ở TP.Huế đều mang thân phận “ăn nhờ ở đậu”, kể cả những bảo tàng đã có quyết định thành lập từ ba đến mười năm trước, nhưng vẫn chưa có nơi trưng bày, cũng như kho bảo quản hiện vật.

Bảo tàng lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế suốt 46 năm qua vẫn nằm yên tại di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn, mãi đến ngày 28/4/2021 mới được chuyển đến địa chỉ 268 Điện Biên Phủ, TP.Huế.

Một triển lãm tranh do Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức

Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung được thành lập theo Quyết định số 2824/QĐ-UBND ngày 23/12/2009 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, phổ biến kiến thức, giới thiệu và quảng bá một cách đầy đủ và chuyên sâu về các giá trị thiên nhiên của khu vực duyên hải miền Trung. Mặc dù “gánh” nhiều trách nhiệm, nhưng hơn mười năm qua, đơn vị này vẫn chưa có trụ sở.

Để duy trì hoạt động, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bố trí tạm tầng hai và tầng ba của tòa nhà Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng, cải tạo một số phòng và hành lang nơi làm việc để bảo tàng thiết kế, tổ chức không gian trưng bày, phục vụ đón tiếp học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập, nghiên cứu...

Ngoài ra, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, từ năm 1975 đến nay vẫn đang “ở ké” tại điện Long An (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế). Bảo tàng có khoảng 13.000 cổ vật thời nhà Nguyễn, nhưng do hạn chế không gian, nên chỉ trưng bày được 400 cổ vật.

Thực tế nhiều năm qua, Thừa Thiên - Huế đầu tư quá ít cho văn hóa, thiếu những thiết chế, cơ chế để khai thác các bảo tàng. 

Giấc mơ của những người yêu hội họa

Từng làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều năm, họa sĩ Đặng Mậu Tựu luôn đau đáu về một trụ sở Bảo tàng Mỹ thuật ở Huế. Theo ông, Huế có rất nhiều họa sĩ nổi tiếng trong nước và thế giới. Và cho dù tên Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho “khai sinh” từ năm 2018, nhưng đến nay, trụ sở của bảo tàng này vẫn chỉ là giấc mơ đối với những người yêu hội họa.

Trưng bày triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng thiên nhiên miền Trung

Hiện Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã có 115 tác phẩm, đây là những tác phẩm rất có giá trị của các danh họa tên tuổi như Thiếu nữ bên hoa sen của cố họa sĩ Tôn Thất Đào, Đô thị hóa thân - số 39 của cố họa sĩ Vĩnh Phối và Treo trên thời gian của cố họa sĩ Bửu Chỉ… phản ánh một phần lịch sử phát triển mỹ thuật của vùng đất cố đô.

Tiếc rằng, những tác phẩm này vẫn… đang phải nằm im lìm trong kho. Tỉnh Thừa Thiên - Huế từng có kế hoạch dùng trụ sở của UBND tỉnh tại số 16 Lê Lợi để làm Bảo tàng Mỹ thuật Huế (sau khi cơ quan này chuyển về trung tâm hành chính tỉnh ở khu đô thị An Vân Dương, TP.Huế). Tiếc là kế hoạch này không có kết quả. Ngành văn hóa mong muốn tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm bàn giao lại trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế (bị xóa tên từ tháng 5/2020) để làm Bảo tàng Mỹ thuật Huế; đồng thời bàn giao 5.000 hiện vật, cổ vật của Bảo tàng Văn hóa Huế trước đây; những gì thuộc mảng mỹ thuật nên chuyển giao cho Bảo tàng Mỹ thuật quản lý.  

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế, nhìn nhận: “Nếu đã lấy di sản, văn hóa làm trọng tâm cho sự phát triển của Huế, thì phải thay đổi cách nhìn. Hiện tại thiết chế văn hóa không có, cơ chế chính sách chưa quan tâm đúng mức. Nghĩa là chúng ta chưa chú trọng nhiều đến văn hóa, Bảo tàng Mỹ thuật Huế là một  điển hình”. 

“Chỉ cần cải tạo nhẹ hai tòa nhà kiến trúc Pháp tại 25 Lê Lợi, TP.Huế, để vừa làm trụ sở vừa là nơi trưng bày Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Ngoài việc trưng bày 115 tác phẩm hội họa, giới chuyên môn có thể lựa chọn những tác phẩm điêu khắc đẹp nhất, luân chuyển theo chủ đề, đặt xung quanh sân bảo tàng này.

Trường đại học Nghệ thuật Huế có rất nhiều họa sĩ, nghệ sĩ trẻ, nhưng chưa có trung tâm triển lãm, cũng như không gian đích thực để họa sĩ triển lãm tranh. Do đó, tại trụ sở bảo tàng này có thể thành lập thêm trung tâm triển lãm và giao lưu để trưng bày triển lãm tranh thường xuyên của các họa sĩ trẻ, cũng là nơi gặp gỡ học hỏi giao lưu với các họa sĩ nổi tiếng, giúp các họa sĩ trẻ có thêm không gian sáng tạo và có thể kiếm sống bằng việc bán tranh. Địa điểm này sẽ kết nối với Không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng. Không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị (đường Lê Lợi) sẽ trở thành điểm tham quan hấp dẫn của du khách khi đến Huế” - tiến sĩ Phan Thanh Hải đề xuất.

Theo Thuận Hoá/PNO