Thứ tư, 29/6/2022, 16h20

Bảo vệ môi trường qua những chiếc lá

Từ nhiều loại lá có trong tự nhiên, các em học sinh, sinh viên đã sáng tạo thành những sản phẩm độc đáo, truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường.


Học sinh tiểu học trải nghiệm vẽ tranh trên lá

Hoạt động này nằm trong chương trình “Ngày hội lá” do Bảo tàng Áo dài (TP.Thủ Đức) tổ chức với mong muốn giới thiệu, quảng bá kiến trúc, ẩm thực và trình diễn nghệ thuật liên quan đến lá.

Trở về thời thơ ấu…

Tại ngày hội, các em sinh viên đã cùng nhau làm nhiều đồ chơi từ những chiếc lá dừa tươi xanh như: Cào cào, châu chấu, cua, chim, hoa hồng… Đây là những đồ chơi rất quen thuộc đối với người trẻ ở quê thuộc thế hệ 7X, 8X. Thời đó cuộc sống còn khó khăn, nhiều gia đình không có điều kiện để mua sắm đồ chơi cho con nên lá dừa là nguyên liệu để sáng tạo ra những đồ chơi khác nhau. Trần Thái An (sinh viên năm 4 Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) chia sẻ: “Lâu lắm rồi em mới được chạm vào những đồ chơi bằng lá dừa mà hồi nhỏ mình hay chơi. Hồi đó, nhà nghèo nên em chỉ có thể tự tạo đồ chơi bằng những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên như lá dừa. Lớn lên, đi học rồi ra trường làm việc khiến em quên đi ký ức tuổi thơ tươi đẹp đó. Bây giờ được dùng lá dừa làm ra nhiều đồ chơi đã gợi cho em nhớ về tuổi thơ tươi đẹp ấy. Hoạt động này còn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người”, Thái An chia sẻ. Bên cạnh làm đồ chơi bằng lá dừa, các em sinh viên còn thiết kế thời trang bằng lá rất thú vị. Theo đó, từ lá sen, lá chuối, lá dông, lá bàng…, sau tầm 30 phút, một nhóm sinh viên của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã hoàn thành những bộ trang phục bằng lá rất đẹp. Từ sáng tạo của mình, các em không chỉ truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường mà còn hướng mọi người nhớ về nguồn cội, về cái thời sống phụ thuộc vào thiên nhiên thông qua câu chuyện Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Ngô Thị Thu Uyên (sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) cho rằng trước tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai xảy ra trong thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có thể thấy được tầm quan trọng của thiên nhiên với con người. Thông qua các bộ trang phục với những vật liệu từ thiên nhiên, chúng em mong muốn mang ý nghĩa về sự hòa hợp của con người với thiên nhiên. Khi chúng ta càng hướng về thiên nhiên thì mẹ thiên nhiên sẽ luôn dang rộng vòng tay bảo bọc chúng ta”, Thu Uyên chia sẻ. Cũng từ những chiếc lá, một nhóm sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã sáng tạo thành một bộ áo dài Việt Nam và một bộ Yukata Nhật Bản. Hoàng Thị Mỹ Loan (sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) chia sẻ: “Bộ áo dài chúng em làm từ nguyên liệu lá sen - “quốc hoa” của Việt Nam, còn bộ Yukata làm bằng lá bàng, lá dừa… để thể hiện sự giao lưu của hai nền văn hóa khác nhau cũng như lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đặc biệt, chúng em cũng muốn truyền tải thông điệp: mỗi chúng ta đều là tương lai của đất nước nên phải biết bảo vệ đất nước, bảo vệ môi trường”.


Các bạn trẻ làm đồ chơi từ lá dừa

Ngoài những hoạt động trên, các em học sinh đến từ Trường Tiểu học Phước Thạnh (TP.Thủ Đức) còn được trải nghiệm hoạt động vẽ tranh trên lá, thưởng thức các loại bánh gói từ lá như: Bánh ít, bánh tét, xôi lá sen… Các em rất thích thú vì buổi trải nghiệm thật thú vị, ý nghĩa. Qua đó các em học được nhiều bài học về văn hóa, môi trường.

Hãy tăng cường sử dụng… lá

Khi cuộc sống chưa phát triển, người dân Việt Nam đã tận dụng những chiếc lá có trong thiên nhiên như lá sen, lá chuối, lá dừa… để gói đồ ăn, làm bánh. Theo thời gian, những đồ dùng tiện ích hơn (đồ nhựa, túi ni-lông kim loại…) xuất hiện khiến cho việc dùng lá cây dần bị hạn chế. Do đó, “Ngày hội lá” đã khơi gợi lại cho các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên nhận thức được vai trò của những chiếc lá trong đời sống cũng như quay về quá khứ để sử dụng lá cây thay cho đồ dùng bằng nhựa dễ gây ô nhiễm môi trường. Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo dài) cho biết, thời gian qua Bảo tàng Áo dài tổ chức nhiều hoạt động, trải nghiệm liên quan đến lá cây như: Dạy gói bánh ít, làm đồ chơi bằng lá dừa… thu hút khá đông bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên tham gia. Các em rất thích thú vì được thỏa thích sáng tạo những thứ liên quan đến lá. Theo bà Vân, cuộc sống của nhân loại nói chung và người dân Việt Nam nói riêng không thể thiếu lá. “Lá gần như trở thành biểu tượng của sự sống, sự sung túc, tình thương và bao nhiêu kỷ niệm, ký ức của con người gắn liền với lá. Khi chúng ta tăng cường sử dụng lá, môi trường sẽ được bảo vệ vì hạn chế vật liệu bằng nhựa cũng như những vật liệu không thân thiện với môi trường. Ngoài ra, khi chúng ta sử dụng lá càng nhiều thì những người nông dân cũng có thể phát triển nông nghiệp trồng lá để phục vụ cho đời sống”, bà Vân nhấn mạnh.


Bộ trang phục bằng lá do sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thực hiện

Ông Trần Hiếu Thành (đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc) cho rằng việc tổ chức “Ngày hội lá” để giáo dục học sinh, sinh viên ý thức bảo vệ môi trường rất thiết thực và ý nghĩa. Bởi vấn đề môi trường ngày nay rất cấp bách, mỗi người cần có hành động để chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh. “Qua ngày hội này, tôi sẽ về nước tuyên truyền lại cho người dân và các bạn trẻ. Kêu gọi họ hạn chế sử dụng những vật liệu có nguy cơ làm hại môi trường, tăng cường sử dụng lá để hướng tới cuộc sống xanh, bền vững để không chỉ có được môi trường xanh, sạch mà còn bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc”, ông Thành cho biết.

Bài, ảnh: Hồ Ngọc Trinh