Thứ ba, 16/8/2022, 22h19

Bảo vệ Tổ quốc là điều kiện quan trọng để phát triển đất nước

Đây là một trong những vấn đề Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học “Lý luận - thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, do Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI tổ chức sáng 16-8 tại TP.HCM.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo (Ảnh: VGP)

Hội thảo diễn ra là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI nghiên cứu, xây dựng báo cáo và các văn bản liên quan trình Bộ Chính trị và Trung ương.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ thống nhất với các đại biểu về quan điểm cơ bản trong lý luận, thực tiễn bảo vệ Tổ quốc; đồng thời nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đó là, phải luôn giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước quyết định phẩm chất cách mạng toàn dân, toàn diện, sức mạnh quốc phòng, an ninh, quyết định sự thắng lợi sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Thứ 2, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị với nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nâng cao tinh thần cảnh giác và có ý thức giữ gìn đất nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ 3, cần phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc.

Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, cần tăng cường sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, triển khai đồng bộ nhóm giải pháp có tính chất chuyên sâu.

Thứ 4, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt, không lơ là, mất cảnh giác trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới phải là phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị; tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thứ 5, cần kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là 2 nhiệm vụ xuyên suốt của cách mạng nước ta, là quan hệ có tính quy luật trong truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc.

Thứ 6, cần quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, giữ nước từ sớm, từ xa. Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển tất yếu của dân tộc, là bài học truyền thống quý báu của ông cha ta trong lịch sử. Tuân thủ quy luật và kế thừa bài học truyền thống đó, Đảng đã vận dụng, phát triển thành 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; trong đó bảo vệ Tổ quốc là điều kiện, tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, toàn diện, bền vững.

Nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, cùng với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, nhận thức, tư duy, lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc đã không ngừng phát triển, đổi mới, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vững chắc trong bối cảnh quốc tế đầy biến động.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: VGP)

Tại hội thảo, các đại biểu đã khẳng định Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc là văn kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đề cập cơ bản, toàn diện các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, phát triển tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là của cán bộ chủ chốt các cấp, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy toàn đảng, toàn quân, toàn dân, đặc biệt các lực lượng vũ trang thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Nghị quyết Trung ương 8 từ khóa XI chúng ta đã có tư duy hệ thống về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới vững vàng. Để cụ thể hóa chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết, kết luận liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, ngày càng hoàn thiện, phát triển tư duy, lý luận, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trước mắt và lâu dài. Hiện nay, theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng, chúng ta đang triển khai toàn diện, đồng bộ và hiệu quả các nghị quyết, các chiến lược bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần phát huy kết quả đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI; nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược có liên quan trong thời gian tới một cách sát thực, hiệu quả để tạo môi trường hòa bình, ổn định, hiệu quả, rộng rãi để xây dựng và phát triển đất nước.

N.Trinh