Thứ tư, 20/1/2021, 17h04

‘Bẫy đối ngoại’ của ông Trump đang chờ chính quyền Biden

Trong những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ân xá nhiều đồng minh và đưa ra hàng loạt chính sách gây khó cho chính phủ người kế nhiệm Joe Biden.
Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng vào ngày 20.1 với chỉ 34% người dân Mỹ ủng hộ những việc ông đã làm, tức là tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất trong cả nhiệm kỳ, theo kết quả khảo sát của hãng Gallup /// Chụp màn hình NBC
Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng vào ngày 20.1 với chỉ 34% người dân Mỹ ủng hộ những việc ông đã làm, tức là tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất trong cả nhiệm kỳ, theo kết quả khảo sát của hãng Gallup. CHỤP MÀN HÌNH NBC
Ân xá hàng loạt đồng minh
Tổng thống Trump ngày 20.1 đã ân xá cho 73 người, trong đó có cựu cố vấ Steve Bannon và các đồng minh khác, vài giờ trước khi ông rời khỏi Nhà Trắng.
"Tổng thống Trump ra lệnh ân xá 73 người và giảm án cho 70 người khác", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố, theo AFP. Trong số những người thân cận và đồng minh của ông Trump được ân xá là cựu cố vấn Bannon. Trước đó, ông Bannon bị buộc tội lừa đảo nhân dân về số tiền gây quỹ để xây dựng bức tường biên giới với Mexico, vốn là chính sách hàng đầu của ông Trump.
Tuy nhiên, Nhà Trắng nhấn mạnh: "Ông Bannon từng là một lãnh đạo quan trọng trong phong trào bảo thủ và được biết đến với sự nhạy bén trong chính trị". Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định vào phút cuối sau khi nói chuyện với ông Bannon qua điện thoại, theo đài CNN. Truyền thông Mỹ loan tin Tổng thống Trump dự định ân xá cho chính mình, nhưng ông cùng các con không có tên trong danh sách.
Những động thái gây khó cho ông Biden
Trong những ngày cuối cùng còn nắm quyền, chính phủ ông Trump tung ra một loạt thay đổi chính sách lớn vào phút cuối nhằm củng cố di sản, đồng thời gây khó cho chính phủ Tổng thống tân cử đảng Dân chủ Biden về một loạt vấn đề bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Cuba và cuộc chiến ở Yemen, theo trang Foreign Policy.
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 11.1 tuyên bố Washington sẽ liệt lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn của Yemen vào danh sách khủng bố. Tuy nhiên, các tổ chức viện trợ quốc tế, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cùng đảng Dân chủ cảnh báo động thái này sẽ gây cản trở nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen. Yemen đang chìm trong xung đột kể từ năm 2014, với hàng triệu có nguy cơ chết đói.
Vào ngày 12.1, Bộ Ngoại giao Mỹ liệt Cuba vào danh sách nhà tài trợ khủng bố, đảo ngược nỗ lực bình thường hóa quan hệ từ thời chính phủ Barack Obama, gây trở ngại lớn cho chính sách đối ngoại của chính phủ ông Biden.
Trước đó vài ngày, ông Pompeo ngày 9.1 thông báo dỡ bỏ “chính sách tự áp đặt” về việc hạn chế sự tương tác giữa các nhà ngoại giao, quan chức Mỹ với giới chức Đài Loan. Chính sách được duy trì nhiều thập niên qua là nhằm tôn trọng “Chính sách một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Bắc Kinh lâu nay xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và đã kịch liệt lên án động thái từ Mỹ. Ngoài ra, chính phủ Tổng thống Trump được cho là đẩy sự căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Quốc lên mức cao nhất thông qua hàng loạt lệnh cấm vận nhắm vào công ty và quan chức Trung Quốc gần đây.
Ngoài ra, ông Pompeo cũng đã lên tiếng chỉ trích việc ông Biden tuyên bố sẽ Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Hồi năm 2018, ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận, tái áp đặt các lệnh cấm vận trong chiến dịch “gây sức ép tối đa” nhằm cô lập Iran về mặt kinh tế và ngoại giao.
Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trung Đông kể từ vụ Tổng thống Trump ra lệnh giết tướng đặc nhiệm Iran Qasem Soleimani hồi tháng 1.2020 tại Iraq. Kể từ cuộc bầu cử ngày 3.11.2020, chính phủ ông Trump áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với các công ty và cá nhân Iran, Venezuela và Cuba.
Mặt khác, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho Reuters biết họ đã quá mệt mỏi vì Tổng thống Trump “khó dự đoán” và mong muốn xây dựng mối quan hệ mới với ông Biden. Dưới thời ông Trump, thương chiến Mỹ-EU bùng nổ và mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh NATO rạn nứt, xuất phát từ việc tăng mức đóng góp quốc phòng chung mà Washington yêu cầu, khiến châu Âu hoài nghi về cam kết an ninh từ Mỹ.
Hôm 17.1, Bộ Kinh tế Đức bày tỏ sự thất vọng khi đã nhận được thông báo từ phía Mỹ về việc Washington áp đặt lệnh cấm vận nhắm vào tàu Fortuna của Nga, đang tiến hành đặt đường ống để xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.
Các nhà ngoại giao kỳ cựu và chuyên gia chính sách đối ngoại nhận xét việc chính phủ ông Trump dồn dập thay đổi chính sách vào phút chót là nhằm mục đích gây cản trở chính sách đối ngoại của ông Biden.
Trong nước, cuộc khủng hoảng kép mà ông Biden phải đối mặt thời hậu Trump là đại dịch Covid-19, đến nay làm chết hơn 400.000 người Mỹ và nền kinh tế suy thoái. Phá vỡ truyền thống, ông Trump không đến dự lễ nhậm chức của ông Biden vào ngày 20.1 và gửi lời “chúc may mắn” cho tân chính phủ.
Theo Phúc Duy/TNO