Thứ bảy, 27/6/2020, 09h57

Biến hóa di sản áo dài

Siết chặt cứng eo, rồi lại nới lỏng eo; tay áo khi cắt ngắn lúc loe rộng..., áo dài biến đổi liên tục qua nhiều thời kỳ và là một di sản văn hóa của Việt Nam.
Họa sĩ Lê Phổ cũng vẽ nhiều tranh thiếu nữ mặc áo dài /// Ảnh: Christie.com
Họa sĩ Lê Phổ cũng vẽ nhiều tranh thiếu nữ mặc áo dài. ẢNH: CHRISTIE.COM
Đẹp mỗi thời một kiểu
Nhà nghiên cứu Việt kiều Trịnh Bách giới thiệu rất nhiều tư liệu trong Hội thảo khoa học quốc gia Áo dài Việt Nam: nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Hà Nội ngày 26.6. Ở đó, những chặng đường mà áo dài đã đi qua, cách áo dài thay đổi khiến người nghe thấy rất thú vị. Chẳng hạn, theo ông Bách, áo dài của ông Cát Tường rất Âu hóa. Áo có cổ cắt đa dạng, có khi khoét trái tim, có khi có cổ lọ, hoặc có khi cổ hở được may vải nhún; vai áo thường may bồng; tay áo có khi cắt ngắn hay loe rộng. “Các loại áo dài phụ nữ cách tân ở thế kỷ 21 này rất nhiều khi chỉ là sự lặp lại của những gì họa sĩ Cát Tường đã làm cách đây gần 90 năm”, ông Bách nói.
Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, lại nhắc tới thăng trầm của áo dài nam. “Áo dài ngũ thân của đàn ông qua hình ảnh người Pháp ghi giai đoạn trước 1945, trong đời sống thường nhật, trong lễ hội, đàn ông Việt từ già đến trẻ luôn mặc áo dài. Phong trào Âu hóa lan rộng, áo dài chỉ còn đọng lại ở những người thực hành tôn giáo tín ngưỡng… Nhưng hiện nay, áo dài nam hơi tủi thân vì nhiều người còn cho là nó rườm rà khó mặc, trong khi không phải vậy”, ông Bình nói.
Ông Bách cũng giới thiệu dạng áo dài nữ phổ thông ở Sài Gòn những năm 1962 - 1963. Loại áo này bắt đầu có xếp li để tạo eo. Người mặc cũng dùng coóc xê (corset) bó bụng hoặc dùng dây dải rút bằng sợi gai thít chặt bụng để đạt cái eo ong lý tưởng đó. Điều này dây chun và khuy cài không làm được. Những năm 1967 - 1971, áo dài mini, hay đúng hơn là áo dài midi, xuất hiện giữa phong trào hippy toàn cầu. “Do phong trào này, áo dài nữ Việt Nam được cắt ngắn bớt đi, thân áo may nới ra ở eo và nếp chít li bó eo cũng được bỏ đi cho thoải mái, hợp thời. Quần của áo dài này được cắt rất rộng”, ông Bách cho biết.
TS Trần Thị Biển, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, lại chia sẻ lý do sự thay đổi của áo dài Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20 do ảnh hưởng văn hóa phương Tây. “Tính thẩm mỹ trên trang phục áo dài phụ nữ Việt Nam giai đoạn này cần kể đến vai trò của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương với nghiên cứu thể nghiệm cách tân. Họa sĩ Nguyễn Cát Tường, Lê Phổ từng du học tại Pháp, sau khi về nước tham gia vào truyền bá từ tờ báo Ngày nay và Phong hóa. Lúc này, áo dài tân thời Le Mur xuất hiện, trên Báo Phong hóa còn dành một chuyên mục Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô, với mong muốn từ chuyên mục này, trang phục dành cho các bà các cô có thêm giá trị thẩm mỹ. Báo Phong hóa cũng ủng hộ phong trào mặc áo dài tân thời…”, TS Biển nói.
TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh, Phân viện VICAS tại Huế, còn nhắc tới việc họa sĩ Cát Tường hiến kế một bài tập thể dục chống đẩy để tăng kích thước ngực, thu nhỏ phần eo trên chiếc áo dài cổ truyền, cho hơi chật ở chỗ bụng. Kèm theo áo dài còn có phụ kiện đi kèm. Ngoài một số hiệu giày nổi tiếng ở Hà Nội như Chấn Long, Phi Yến, họa sĩ Cát Tường cũng vẽ một số kiểu giày cao gót. Ví cầm tay cũng thay thế chiếc ruột tượng có chức năng đựng tiền và giấy tờ thường được buộc dọc lưng quần các bà, các chị.
Bà Bùi Thị Kim Phương, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS), lại nhắc tới thời gian Mỹ thay Pháp đô hộ Việt Nam. Theo bà, đây là thời điểm áo dài có một cuộc cách tân táo bạo lần nữa, tăng sự gợi cảm bằng những yếu tố sexy. “Thời kỳ này, áo dài được thay đổi nhiều nhất. Áo dài bắt đầu được may chít eo, nhiều khi rất chật, để tôn ngực. Eo áo cắt cao lên, hở cạp quần. Gấu áo lúc này cắt thẳng ngang và may dài gần đến mắt cá chân. Bà Trần Lệ Xuân là người khởi xướng kiểu áo dài hở cổ, bỏ đi cổ áo thay bằng cổ thuyền, khoét sâu, hở đến nửa ngực”, bà Phương cho biết.
Biến hóa di sản áo dài - ảnh 1
Áo dài cổ cao thời kỳ 1950. ẢNH: TƯ LIỆU BẢO TÀNG PHỤ NỮ VN
Cần xác định cộng đồng thực hành áo dài là ai
PGS-TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó viện trưởng VICAS, cho biết những khó khăn cần vượt qua để làm hồ sơ như: nhận diện di sản, biện pháp bảo vệ, sự tham gia của cộng đồng trong quá trình đề xuất làm hồ sơ đề cử. Chẳng hạn, theo bà Hiền, cần xác định cộng đồng thực hành áo dài là ai: tất cả người Việt, người mặc áo dài, thợ may, nhà thiết kế, hay nghệ nhân làng nghề may áo dài.
TS Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa, cũng đưa ra các di sản đã được UNESCO vinh danh có những điểm tương đồng, gần gũi với hồ sơ áo dài Việt Nam. Theo bà Trang, hiện có 27 di sản của 25 quốc gia có liên quan đến kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật dệt, nghệ thuật dệt lụa, dệt thảm, dệt thổ cẩm truyền thống như: Batik của Indonesia; truyền thống dệt thảm ở Chiprovsti (Bulgaria); cách làm và sử dụng khăn trùm đầu bằng lụa cho phụ nữ ở Azerbaijan; nghệ thuật làm vải từ vỏ cây Uganda… Những di sản này thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống. Cũng có 4 di sản của 4 quốc gia liên quan đến trang phục truyền thống là: nghề thủ công dệt thổ cẩm Nam Kinh Trung Quốc; Batik của Indonesia; áo vỏ cây ở Unganda; và nghệ thuật dệt Taquille của Peru.
Theo bà Trang, từ kinh nghiệm của các di sản đã và đang đề cử vào danh sách của UNESCO, có thể thấy, di sản liên quan đến trang phục truyền thống đều tập trung vào khía cạnh tập quán xã hội. “Vì tính phổ biến, áo dài không chỉ được sử dụng như một loại trang phục đơn thuần, mà rất đa dạng trong không gian thể hiện: nơi tôn nghiêm, trang trọng, từ công sở tới nhà trường, từ nghi thức tập thể đến hoạt động cá nhân, giải trí…, tạo nên tập quán sử dụng áo dài của phụ nữ Việt Nam”, bà Trang cho biết.
Theo Trinh Nguyễn/TNO