Thứ hai, 7/11/2022, 10h03

Bộ máy mới VFF hứa sẽ đưa bóng đá Việt Nam bay cao

Đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể, đặc biệt nâng tầm thành tích của các đội tuyển quốc gia từ nay đến năm 2026, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) khóa 9 phải tạo được nguồn tài chính đủ mạnh.
Phát triển kinh tế thể thao
Tại Đại hội VFF nhiệm kỳ 9 vào hôm qua (6.11), Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã có “đơn đặt hàng” cho các nhà quản trị bóng đá Việt Nam, trong đó người chịu trách nhiệm cao nhất là tân Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn. Bộ trưởng đề nghị VFF phải chủ động phối hợp với Tổng cục TDTT nghiên cứu, đề xuất với Bộ VH-TT-DL trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển bóng đá một cách khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu gắn với lộ trình, điều kiện thực thi cụ thể. Trước mắt, VFF cần hoàn thiện đề án phát triển bóng đá trong Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030. VFF cần khẩn trương rà soát các kế hoạch, lộ trình đầu tư chuyên sâu cho các đội tuyển quốc gia.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, VFF khóa 9 cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, vận động tài trợ, chú trọng công tác hợp tác quốc tế để có nguồn lực hỗ trợ phát triển bóng đá. Lần đầu tiên khái niệm kinh tế thể thao được lãnh đạo ngành đặt ra cho VFF như một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong khóa 9. “Từng bước triển khai thực hiện hiệu quả việc phát triển kinh tế thể thao trong bóng đá”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Ban Chấp hành VFF khóa 9
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Quốc Tuấn cho biết: “Muốn bóng đá Việt Nam phát triển hơn những thành tựu đã đạt được, VFF phải tiếp tục đầu tư và tăng cường nguồn lực tài chính bằng nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó có việc đổi mới chất lượng hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh giữa các CLB, nâng cao hình ảnh giải đấu nhằm thu hút và tăng giá trị bản quyền truyền hình, tăng nguồn thu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Tối ưu hóa khai thác giá trị thương hiệu các đội tuyển quốc gia”.
Nghị quyết Đại hội VFF khóa 9 nêu: “Phấn đấu mức tăng trưởng trong công tác tiếp thị và vận động tài trợ tăng trên 10% so với nhiệm kỳ trước. Số thu từ hoạt động tiếp thị và vận động tài trợ trong khóa 8 đạt gần 680 tỉ đồng, dự kiến đạt trên 750 tỉ đồng ở khóa 9”. Còn ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng giám đốc Next Media, tân Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ, đưa ra tương lai lạc quan: “Trước khi tranh cử, tôi cũng chia sẻ với giới truyền thông về việc doanh thu của VFF tăng trưởng 50%. Tôi sẽ xây dựng kế hoạch, phối hợp với ban lãnh đạo, các bộ phận chuyên môn để hướng tới cam kết đó. Ngay từ đầu, tôi xác định làm bóng đá bài bản, xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh”.
Phấn đấu tốp 10 châu Á cũng cần có tài chính mạnh
Ông Trần Quốc Tuấn khẳng định: “Theo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam mà Thủ tướng phê duyệt, chúng ta phấn đấu đưa bóng đá Việt Nam lọt vào tốp 10 châu Á và sớm có mặt tại vòng chung kết World Cup. Nhiệm vụ này áp lực và đòi hỏi bộ máy mới VFF cần có quyết định mang tính đột phá. VFF có chuỗi chuẩn bị liên tục, chúng ta có sự chuẩn bị 4 năm qua như việc đội tuyển Việt Nam có mặt ở vòng loại thứ 3. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta được thi đấu với đội bóng mạnh ở giải đấu chính thức và thu được nhiều kinh nghiệm. Trong thời gian tới, đội tuyển Việt Nam sẽ phát huy ở nhiều giải đấu lớn. Sau AFF Cup 2022, HLV Park Hang-seo sẽ chia tay bóng đá Việt Nam. Việc lựa chọn HLV mới là vấn đề quan trọng, nếu chúng ta chọn đúng HLV phù hợp thì phát huy được sức mạnh tối đa. Sau khi VFF hoàn thiện bộ máy, các thành viên phụ trách chuyên môn và quan hệ quốc tế sẽ bắt đầu nhiệm vụ tìm kiếm, lựa chọn HLV hướng tới SEA Games 32, vòng loại Asian Cup và World Cup”.
Còn ông Trần Anh Tú, Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, nói: “Mục tiêu của các đội tuyển Việt Nam trong nhiệm kỳ tới là tiếp tục duy trì và phát huy thành tích so với nhiệm kỳ trước. Vừa qua đội tuyển nam vào tới vòng loại cuối World Cup, tuyển nữ và tuyển futsal dự World Cup, các đội tuyển trẻ giành vé dự sân chơi châu Á, thì ít nhất trong 4 năm tới các đội cũng phải giành thành tích tương tự hoặc cao hơn. Để làm được điều đó sẽ vô cùng khó khăn nhưng với khả năng tài chính hiện nay của VFF, chúng ta đủ khả năng gánh vác chi phí cho các mục tiêu của bóng đá Việt Nam”.
Bộ máy mới của VFF được Đại hội khóa 9 bầu gồm Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch chuyên môn Trần Anh Tú, Phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại Nguyễn Xuân Vũ.
Ngoài 4 chức danh chủ chốt này còn có 13 ủy viên Ban Chấp hành VFF (tổng số là 17 người), trong đó chỉ có 4 người cũ là Lê Văn Thành (Động Lực), Nguyễn Tấn Anh (HAGL), Nguyễn Quốc Hội (Hà Nội), Đỗ Mạnh Dũng (Viettel) và 9 cái tên mới đáng kể gồm Trần Huy Đức (Phòng Tổ chức thi đấu VFF), đặc biệt có đến 6 doanh nhân đại diện các CLB như Văn Trần Hoàn (Hải Phòng), Trương Sỹ Bá (SLNA), Cao Tiến Đoan (Thanh Hóa), Hồ Hồng Thạch (Bình Dương), Võ Văn Thư (Bình Định), Trần Văn Quỳnh (Kon Tum). Ban Chấp hành VFF cũng đã bổ nhiệm ông Dương Nghiệp Khôi giữ chức Tổng thư ký thay ông Lê Hoài Anh chuyển sang làm trợ lý Chủ tịch VFF.
 
TT (theo thanhnien)