Thứ ba, 16/2/2021, 22h45

Bộ Y tế trình 2 phương án về đối tượng ưu tiên vắc xin Covid-19

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, dù Việt Nam có vắc xin Covid-19 để tiêm ngay cũng phải mất vài tháng, nên phải cảnh giác cao độ từ giờ tới mùa hè, “như một chiến dịch cuối cùng” trước khi có vắc xin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương nhập vắc xin chống Covid-19 /// Ảnh Chí Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương nhập vắc xin chống Covid-19. ẢNH CHÍ HIẾU
Việt Nam sẽ có 5 triệu liều vắc xin vào cuối tháng 2
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường báo cáo tại cuộc họp với Thường trực Chính phủ chiều qua, 15.2, Bộ Y tế đã rất quyết liệt, chủ động trong tiếp nhận vắc xin của chương trình Covax, đã cơ bản hoàn thành thủ tục tiếp nhận.
Nguồn vắc xin thứ 2 là nguồn chủ động đi nhập khẩu.
Trong cuối tháng này, nếu các chuyến bay sắp xếp tốt, kịp thời và các thủ tục xong sẽ có cả 2 nguồn, trong đó từ chương trình Covax là 4,88 triệu liều và nhập khẩu 117.000 liều. Như vậy, Việt Nam sẽ có khoảng 5 triệu liều vào cuối tháng này và có thể tiêm cho 5 triệu người.
Sau 3 tháng sẽ có 5 triệu liều khác để tiêm mũi thứ 2.
Về đối tượng được tiêm vắc xin trước, Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ 2 phương án: thứ nhất là tiêm cho hơn 2 triệu người thuộc diện đối tượng ưu tiên, thứ 2 là tiêm cho khoảng 5,7 triệu người.
“Như vậy, chúng ta có thể tiêm lớn hơn cho cả những trường hợp ưu tiên như y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ ở tuyến đầu và tiêm rộng rãi. Chúng ta là một trong những nước ở châu Á tiếp cận vắc xin tốt”, ông Trương Quốc Cường nói.
Không để Việt Nam trở thành "vùng trũng"
Phát biểu tại buổi họp, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cho rằng, Việt Nam đang đối diện với thực tế là nguồn gốc bệnh từ đâu chưa xác định được và có khả năng bùng nổ bất cứ lúc nào. Chiến lược chống dịch lâu dài vẫn phải là vắc xin, nhưng các nước nghèo tiếp cận rất khó.
“Nếu chúng ta không có đủ vắc xin cần thiết, trong khi các nước có đủ rồi, dân người ta đã có kháng thể đầy đủ, thì mình trở thành vùng trũng và cuối cùng sẽ là nhiều hệ luỵ về kinh tế - xã hội. Vấn đề chiến lược hiện nay là phải làm thế nào để có đủ vắc xin, ta có thể viện trợ, mua, sản xuất trong nước, nhưng báo cáo của Bộ Y tế mà anh Cường nói thì chưa rõ lắm. Cần báo cáo đầy đủ với Chính phủ để hiểu hiện nay các nguồn vắc xin của chúng ta thế nào. Cần khuyến khích sản xuất trong nước. Nguồn của WHO cung cấp cho mình chắc cũng không lớn đâu, phải mua. Sản xuất trong nước lâu dài”, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nói.
Theo Phó thủ tướng, cần phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế trong việc mua vắc xin. Doanh nghiệp nào có thể nhập được thì tạo điều kiện để họ nhập có kiểm soát thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu.
Nêu quan điểm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, dù vắc xin có để tiêm ngay cũng phải mất vài tháng, nên phải cảnh giác cao độ từ giờ tới hè, “như một chiến dịch cuối cùng” trước khi có vắc xin.
“Trước đây 5K là khuyến nghị của Bộ Y tế, nhưng bây giờ là bắt buộc”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo Phó thủ tướng, phải đẩy nhanh sản xuất trong nước từng ngày, từng giờ, vì đây là vấn đề rất chiến lược.
“Không chỉ Covid-19, mà nếu sau này có con virus mới, thì ta làm được cái này rồi ta làm vắc xin khác sẽ nhanh hơn nhiều”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Cũng theo Phó thủ tướng, Liên Hiệp Quốc đã cho biết có thể cấp miễn phí cho Việt Nam 4,2 đến 8,8 triệu liều, nếu Bộ Y tế nộp hồ sơ sớm có thể nhận được số liều nhiều hơn.
Chính phủ đồng ý cho địa phương và doanh nghiệp chủ động nhập vắc xin
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương chỉ đạo nhập khẩu vắc xin để sớm đưa vắc xin về Việt Nam phục vụ người dân, thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu vắc xin trong nước.
Nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ, trong tháng 2 phải có vắc xin từ nguồn viện trợ của Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đồng ý để Bộ Y tế thực hiện điều 26 luật Đấu thầu “lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt”.
Cũng theo Thủ tướng, nhiều địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua vắc xin, nhưng phải được duyệt và ngày mùng 6 tết (tức ngày 17.2) phải trình phương án lên Chính phủ.
Theo Vũ Hân/TNO