Thứ tư, 2/10/2013, 11h10

BS. Dương Cẩm Chương: Sống thọ nhờ “ba không biết”

BS. Dương Cẩm Chương trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Chủ nhiệm Hội quán Các bà mẹ (ảnh Hội quán Các bà mẹ cung cấp)
Không biết đau ốm, không biết tiền bạc và không biết giận hờn đã giúp bác sĩ (BS) Dương Cẩm Chương vẫn thong dong ở tuổi 103.
Chỉ còn vài tháng nữa là BS. Dương Cẩm Chương sẽ bước sang tuổi 104. Giống như ngày đầu tôi gặp, cách đây hơn 3 năm, trí nhớ ông vẫn minh mẫn, nụ cười mạnh mẽ đầy bao dung, lối nói chuyện hóm hỉnh, mạch lạc…
Nghề đã chọn và “cái trời cho”
Tôi thích được gọi ông là BS hơn là một họa sĩ, bởi như ông nói, nghề y là do ông chọn, nghệ thuật (hội họa) là cái trời cho. Tôi trân trọng nghề ông đã chọn.
Căn nhà của BS. Dương Cẩm Chương nằm trong một con hẻm trên đường Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM. Hẻm nhỏ. Nhà nhỏ. Nhưng ở đó có một người lớn: Về tuổi tác, về tên trong y học lẫn hội họa trong và ngoài nước. Dương Cẩm Chương xuất thân trong đại gia đình nho sĩ tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, ông không sinh ra tại đây mà chào đời tại Long Xuyên, An Giang. Thuở ấy, cha ông là chí sĩ Dương Bá Trạc hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp đày ra Côn Đảo. Mãn hạn tù, ông bị thực dân Pháp an trí tại Long Xuyên và Dương Cẩm Chương sinh ra tại đây.
Năng khiếu hội họa của BS. Dương Cẩm Chương bộc lộ từ rất sớm, năm 3 tuổi. “Máu” nghệ thuật có trong ông cũng ít nhiều ảnh hưởng từ dòng tộc. Ông là anh họ của danh họa nổi tiếng Dương Bích Liên (1924-1988, một trong nhóm tứ kiệt của làng hội họa Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, tức Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái). Dương Cẩm Chương là cựu học sinh Trường Bưởi - Hà Nội. Thời gian còn học ở trường y, để thỏa mãn niềm đam mê hội họa, ông đã theo học dự thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tranh Dương Cẩm Chương thuộc trường phái ấn tượng, chủ yếu là phong cảnh, nhiều nhất là phong cảnh Đà Lạt (trên 300 bức). Ông còn được biết đến với nhiều bức tranh vẽ các con phố mang tên người thân của ông như Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Tự Quán… Bức tranh sơn dầu về góc đường mang tên thân phụ ông (nhà văn, nhà cách mạng Dương Bá Trạc) được ông thực hiện sau ngày từ Pháp trở về quê hương.
BS. Dương Cẩm Chương cho biết, năm 10 tuổi ông đã có tác phẩm hội họa đầu tay vẽ một lính Pháp Le Poilu của thời thế chiến 1914-1918. Khi xem bức tranh này, nhiều người trong làng hội họa lúc bấy giờ đều trầm trồ thán phục cái tài của ông. Ngoài năng khiếu hội họa, BS. Dương Cẩm Chương còn thích thơ văn và có thời gian ông làm ký giả cho tờ báo Trung Bắc Tân Văn. Về sau ông còn làm thơ, viết sách.
Dương Cẩm Chương là một BS phẫu thuật giỏi. Sau đó, ông chuyển qua phụ trách y tế công cộng rồi truyền thông giáo dục sức khỏe. Lúc bấy giờ, các chương trình y tế công cộng, phòng chống dịch bệnh được ông triển khai hiệu quả tại Việt Nam cũng như trên đất Mỹ. Đến khi về hưu, ông sang Pháp định cư nhưng vì nghiệp y không cho phép ngơi nghỉ, ông tiếp tục theo học chương trình y tế công cộng. Chưa hết, ông còn tham lam khi vừa theo học mỹ thuật. BS. Dương Cẩm Chương cho rằng, hội họa với ông không phải đến tình cờ mà là “cái trời cho”.
Biết chết trước 5 phút vẫn cười
BS. Đỗ Hồng Ngọc từng viết về ông: “Y học không đơn thuần là khoa học, y học còn là nghệ thuật. Hình như BS. Dương Cẩm Chương đã “bay” theo một đường bay định sẵn, được hoạch định tự bao giờ mà ông chẳng hề hay biết!”.
Tôi nhớ không chắc chắn lắm, hình như trong lần mừng sinh nhật thứ 100 của ông, người học trò của ông là BS, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc có hỏi: “Có bao giờ ông nghĩ đến cái chết?”. Ông trả lời ngay không chút do dự, tôi chỉ nhớ đại khái thế này: “Tôi không bao giờ nghĩ đến. Tạo hóa sinh ra sự sống thì phải sinh ra cái chết”. Ông quan niệm, nếu biết trước vài phút nữa cái chết sẽ đến tìm ông, ông vẫn cười và hài lòng bởi ông đã làm được nhiều điều cần làm.
BS. Dương Cẩm Chương cùng thời với BS. Tôn Thất Tùng. Là thế hệ y khoa người Việt Nam đầu tiên của thời Pháp thuộc. Hỏi về bí quyết sống thọ, ông cười tinh anh rồi nói: “Bí quyết chi đâu, tôi sống thọ là nhờ không biết đau ốm, tiền bạc và giận hờn”. Riêng chuyện ốm đau, đến tuổi 103, BS. Dương Cẩm Chương chỉ một lần nằm viện vì té vỡ sọ, năm ấy ông 85 tuổi. Còn “không biết tiền bạc”, không nặng vật chất là “liều thuốc” quý giúp cho tâm trí ông nhẹ nhàng. Ông bảo: “Tôi sống bằng tiền kiếm được từ sức lao động của mình, đến tuổi hưu thì sống bằng lương hưu”. Còn chuyện giận hờn ở đời, đã là chúng sanh thì khó ai tránh khỏi nên ông cũng vô tư, “không biết”. Ông tiếp: “Nhiều người giận tôi vì lắm chuyện hỉ, nộ trải qua trong cuộc đời, đó là chuyện đáng giận mà tôi “không biết giận”.
Ngày ông cùng người bạn đời hồi hương Việt Nam, ở tuổi ngoài 80, BS. Dương Cẩm Chương đã thực hiện thành công chuyến đi xuyên Việt để ghi lại vẻ đẹp của Việt Nam bằng tranh sơn dầu. Người bạn đời của ông là nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế (1918-2007), bà được đánh giá là một hiện tượng thi ca của Việt Nam, bởi nhiều lẽ, trong đó không thể không nhắc đến một nhà thơ bắt đầu làm thơ ở tuổi 70. Hơn nữa, chỉ trong khoảng 15 năm, bà đã in trên 10 tập thơ, trong đó có nhiều bài được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc như Vĩnh Tuấn, Hoàng Giác, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Tô Vũ…
Trần Anh
Dòng dõi nho gia, ái quốc
BS. Dương Cẩm Chương sinh năm 1911 trong một gia đình có truyền thống nho học tại tỉnh Hưng Yên. Cha ông là nhà văn, nhà cách mạng Dương Bá Trạc (1884-1944) và là cháu gọi ông Dương Quảng Hàm (1889-1946, nhà nghiên cứu văn học, tác giả cuốn Việt Nam văn học sử yếu, được xem là cuốn văn học sử phổ thông bằng chữ quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam) bằng chú ruột. Ông tốt nghiệp y khoa năm 1938 và công tác tại Bệnh viện Lalung Monnaire Saigon, nay là Bệnh viện Chợ Rẫy (BS phẫu thuật chính). Khi nghỉ hưu ông sang Pháp, Mỹ định cư khoảng 20 năm rồi hồi hương Việt Nam. Ở nước ngoài, ông tiếp tục làm việc trong ngành y và có nhiều cống hiến cho nền y khoa của nước sở tại.
Tại Paris, ông từng tổ chức hơn 20 cuộc triển lãm tranh cá nhân. Với những đóng góp cho làng mỹ thuật Pháp, ông được vinh dự kết nạp hội viên Hội Họa sĩ Pháp. Sau ngày trở về, mặc dù tuổi cao, song niềm đam mê hội họa, viết sách trong ông vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Tại căn nhà nhỏ trên đường Lê Thị Riêng, Q.1, ông tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm hội họa, sách chuyên ngành mỹ thuật, y khoa có giá trị và thơ tình. Ông đã được Nhà nước trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật năm 1999.