Thứ năm, 11/8/2022, 08h03

Cả triệu lượt học sinh đã được tư vấn hướng nghiệp, phân luồng

Sáng 10-8, Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Tổng kết các chương trình hướng nghiệp - tuyển sinh, lần thứ 14 năm học 2021-2022.


Nhà báo Nguyễn Thanh Tú (Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM) báo cáo tổng kết chương trình

Tham dự có đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở GD-ĐT TP.HCM cùng Sở GD-ĐT nhiều tỉnh thành, đại diện các trường đại học, cao đẳng và các trường THPT trên địa bàn TP.HCM.

Cả triệu lượt học sinh đã được tư vấn hướng nghiệp, phân luồng

Phát biểu tổng kết, ông Nguyễn Thanh Tú - Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM thông tin, mỗi năm cả nước có khoảng 1 triệu học sinh thi, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (riêng TP.HCM khoảng 70-90 ngàn em). Thống kê của các bộ, ban, ngành thì hàng năm có hàng trăm ngàn sinh viên ra trường không tìm được việc làm phù hợp hoặc học ngành nghề chưa phù hợp do chọn sai nghề, sai ngành, sai sở thích, năng lực của bản thân.

Vì thế, công tác hướng nghiệp là rất cần thiết, nhất là trong đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Đặc biệt, việc hướng nghiệp sớm ngay từ bậc THCS sẽ giúp học sinh chọn được hướng học, hướng nghề, hướng trường phù hợp hơn.


Ông Nguyễn Xuân Trường (Giám đốc trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam, Bộ GD-ĐT) phát biểu đánh giá


TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác Sinh viên, ĐHQG TP.HCM) trao đổi công tác hướng nghiệp theo chương trình phổ thông mới 2018

Theo ông Tú, năm học 2021-2022, Giáo dục TP.HCM đã tổ chức 3 chương trình hướng nghiệp, bao gồm: Chương trình Hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14; Chương trình Tư vấn Tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 14; Chương trình “Hướng nghiệp - Tuyển sinh sau THCS” lần thứ thứ 7. Đây là các chương trình thường niên do Tạp chí phối hợp với Sở GG-ĐT TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam - Bộ GD-ĐT cùng 25 Sở GD-ĐT, thành đoàn/tỉnh đoàn, các tỉnh/thành tổ chức.

Cụ thể, ở Chương trình Hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 đã diễn ra ở 500 trường/cụm trường THPT tại TP.HCM và 11 tỉnh/thành khu vực phía Nam như: Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận… với hơn 200 ngàn học sinh từ lớp 10 - lớp 12 được tư vấn.

Ở Chương trình Tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần thứ 14 đã diễn ra ở 866 trường/cụm trường ở TP.HCM và 25 tỉnh thành từ An Giang đến Nghệ An với hơn 350 ngàn học sinh được tư vấn trực tiếp.


Ông Phạm Anh Thắng (Phó Chánh văn phòng Bộ, Trưởng cơ quan đại diện Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tại TP.HCM) khẳng định tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, tuyển sinh


Ông Trịnh Văn Ngoãn (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long) đóng góp ý kiến

Ở Chương trình “Hướng nghiệp - Tuyển sinh sau THCS” năm nay đã diễn ra ở 250 trường THCS tại TP.HCM và các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương với vài trăm ngàn phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo tham gia.

"Năm học 2022-2023, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục triển khai chương trình đến 25 tỉnh/thành và sẽ mở rộng thêm 8-10 tỉnh ở Khu vực miền Bắc, một số tỉnh miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, với mong muốn hỗ trợ hiệu quả hơn nữa công tác hướng nghiệp cho học sinh ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, giúp các em chọn lựa được ngành học, hướng học phù hợp...", ông Tú thông tin thêm.

Đại diện 25 tỉnh thành mà các chương trình đã đi qua, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long Trịnh Văn Ngoãn bày tỏ học sinh Vĩnh Long đã được "thụ hưởng" rất nhiều từ các chương trình tư vấn của Tạp chí Giáo dục TP.HCM. Các em được hỗ trợ trong việc tiếp cận các thông tin hướng nghiệp hữu ích, giúp định hướng sớm được ngành, nghề mình sẽ chọn trong tương lai.


Nhà báo Nguyễn Thanh Tú (Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM) trao thư cảm ơn đến đối tác

"Một điều tôi đánh giá cao nữa là tính chuyên nghiệp của các chương trình khi đã linh hoạt chuyển đổi hình thức từ trực tiếp sang trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh, giúp học sinh, giáo viên, nhà trường nhanh chóng tiếp cận được các thông tin ngay cả khi ngừng đến trường", ông Ngoãn nhấn mạnh.

Hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018

Đánh giá cao ý nghĩa và vai trò của các chương trình hướng nghiệp, tuyển sinh do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức trong suốt nhiều năm qua, ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam, Bộ GD-ĐT khẳng định các chương trình hết sức cần thiết trong bối cảnh giáo dục hiện nay, đặc biệt là trong Chương trình GDPT 2018.

Ông Trường cho rằng các chương trình tư vấn có sự đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh, từ bậc THCS - THPT, là cầu nối để các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục cùng chung tay đưa những thông tin tuyển sinh, hướng nghiệp một cách chính thống, kịp thời nhất đến với học sinh, giúp các em có định hướng lựa chọn được các ngành nghề, hướng đi phù hợp.


Ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động tại TP.HCM)


TS. Nguyễn Thanh Tùng (chuyên gia tâm lý kỹ năng)


Thầy Nguyễn Văn Cải (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung)

Ở vai trò là đơn vị đồng hành cùng các chương trình tư vấn, tuyển sinh, TS. Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM nhìn nhận, ngoài vai trò là cầu nối đưa thông tin hướng nghiệp, tuyển sinh đến học sinh thì các chương trình tư vấn sau mặt báo của Tạp chí Giáo dục TP.HCM hỗ trợ đặc biệt việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các nhà trường, học sinh, phụ huynh.

TS. Lê Thị Thanh Mai cho hay, trong Chương trình GDPT 2018, bậc THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, phát triển năng lực sở trường của học sinh, đảm bảo học sinh tiếp cận nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trong năm đầu tiên triển khai Chương trình mới có thể nhận thấy rằng các trường phổ thông vẫn còn gặp nhiều lúng túng khi thiết kế môn học, phụ huynh, học sinh cũng vậy...

"Thời gian tới, thông qua các chương trình tư vấn, tuyển sinh, Tạp chí Giáo dục TP.HCM cần tiếp tục khẳng định giá trị và tác động trực tiếp đến hệ thống giáo dục phổ thông, các trường đại học, cao đẳng tham gia. Cần tiếp tục thực hiện qua 2 giai đoạn là hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh. Nội dung cần bám sát Chương trình GDPT 2018, ở cả chương trình tư vấn THCS và THPT...", TS. Mai gợi ý.


Nhà báo Nguyễn Thanh Tú và Nhà báo Trần Văn Mạnh chụp hình lưu niệm cùng đối tác

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Duy Tân - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, Chương tình GDPT 2018 quy định rất rõ về vai trò của công tác hướng nghiệp song điều kiện tổ chức nội dung này rất khác biệt với các nhà trường. Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã chắp thêm đôi cánh, mở thêm cơ hội để các nhà trường tiếp cận với các chuyên gia, đơn vị giáo dục nghề nghệp. Do vậy, các trường cần tận dụng lợi thế, đẩy mạnh phối hợp, đưa hoạt động hướng nghiệp thiết thực hơn, mang lại cái nhìn đúng đắn, giúp học sinh đánh giá bản thân

Bày tỏ sự ấn tượng với sức lan tỏa và độ phủ của các chương trình tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng mà Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã bền bỉ thực hiện trong nhiều năm qua, ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh văn phòng Bộ, Trưởng cơ quan đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP.HCM chia sẻ: "Hiếm có một cơ quan báo chí địa phương nào lại có độ phủ đến vậy. Không chỉ thực hiện tại TP.HCM, các chương trình còn vươn ra các tỉnh thành lân cận, thậm chí vươn ra ngoài các tỉnh thành phía Bắc với nội dung chuyên sâu và hình thức đa dạng", ông Thắng đánh giá.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng hiện nay quan điểm, tư duy của học sinh, phụ huynh đã rất khác với ngày xưa. Đại học không phải là con đường duy nhất mà học nghề đã được nhiều học sinh lựa chọn... Mặc dù vậy, ông Thắng cho rằng công tác truyền thông cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa qua chính các chương trình tư vấn, hướng nghiệp...

Yến Hoa
Ảnh: Hồ Trinh