Thứ năm, 25/11/2021, 10h29

Các địa phương chưa mặn mà đặt hàng sinh viên sư phạm

Một thay đổi đáng chú ý năm nay là việc các địa phương đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm ngay từ đầu vào, cấp kinh phí và tuyển dụng sau khi ra trường.

Điều kiện được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí

Nghị định 116/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên (SV) sư phạm (SP) chính thức có hiệu lực từ ngày 15.11.2020 và bắt đầu áp dụng cho SV trúng tuyển năm học 2021 - 2022. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi SV theo học và mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng). Tuy nhiên, không phải tất cả SV học SP đều được nhận các hỗ trợ này.

Để được hưởng chính sách hỗ trợ tài chính này, người học cần nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt. SV có thể đăng ký đào tạo theo các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương hoặc đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội). Với hình thức đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Các địa phương chưa mặn mà đặt hàng sinh viên sư phạm - ảnh 1

Tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM làm thủ tục nhập học trong các năm trước. ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ GD-ĐT vừa gửi, các trường đào tạo cần nhận đơn đề nghị và đăng ký của SV chuyển cho các địa phương có thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng và từ kết quả xét chọn của địa phương để thông báo, triển khai công tác tài chính.

Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tất cả SV học SP có nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, sinh hoạt phí đều được hưởng chính sách hỗ trợ tài chính theo Nghị định 116. Tuy nhiên, theo nghị định mới sẽ có 2 nhóm nhận hỗ trợ khác nhau từ ngân sách địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ hay ngân sách nhà nước.

Cụ thể, theo ông Quốc, nhóm 1 là những SV có nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt và các hồ sơ liên quan; đáp ứng điều kiện của địa phương và được địa phương xét chọn. Cơ sở đào tạo và địa phương phối hợp triển khai kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho SV. Nhóm 2 là SV đã nộp đơn đề nghị nhưng không đáp ứng điều kiện của địa phương và không được địa phương xét chọn. Tuy nhiên các SV đã nộp đơn đề nghị công tác trong ngành giáo dục, kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho SV được cấp cho trường theo hình thức giao dự toán theo quy định phân cấp ngân sách hiện hành.

“Tuy nhiên, những SV không nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt và các hồ sơ liên quan thì không được hỗ trợ. Dù vẫn thuộc chỉ tiêu Bộ GD-ĐT đã thông báo nhưng SV phải đóng học phí cho cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định tại Nghị định số 81 và không được nhận hỗ trợ chi phí sinh hoạt từ ngân sách nhà nước”, thạc sĩ Quốc cho hay.

Sinh viên sư phạm được đặt hàng ra sao ?

Theo Nghị định 116, các trường đào tạo SP hướng dẫn, thông báo tới SV trúng tuyển về chỉ tiêu đào tạo được các địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng (hoặc đấu thầu). Từ đó, SV trúng tuyển thực hiện đăng ký, cam kết tham gia học tập và công tác theo nhu cầu đào tạo và sử dụng của địa phương.

Sau đó, SV nộp đơn đề nghị hưởng hỗ trợ và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đến trường theo thứ tự nguyện vọng đối với các địa phương có nhu cầu tuyển dụng SV tốt nghiệp về làm việc tại địa phương. Từ kết quả xét chọn của địa phương, trường sẽ thông báo cho SV và tiến hành việc ký hợp đồng đào tạo.

Dù đã triển khai nhưng theo ghi nhận của một số trường ĐH đào tạo SP, số địa phương có nhu cầu đặt hàng SV còn hạn chế.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hiện mới nhận được “đơn đặt hàng” của 4 địa phương gồm: TP.HCM, Long An, Vĩnh Long và Ninh Thuận. “Tùy từng địa phương sẽ có các tiêu chí xét chọn riêng, nhưng thường là ưu tiên cho SV có hộ khẩu thường trú tại địa phương mình”, thạc sĩ Quốc thông tin thêm.

Năm 2021 Trường ĐH Đà Lạt có 9 ngành đào tạo giáo viên nhưng trường này hiện mới chỉ nhận được đặt hàng của Sở GD-ĐT Ninh Thuận với 10 SV. UBND tỉnh Lâm Đồng nơi trường có trụ sở cũng chưa có yêu cầu này. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết tỷ lệ SV được các địa phương đặt hàng đào tạo nói chung đến thời điểm này còn thấp. Lý do có thể còn nằm ở những lo ngại trong việc sử dụng người học sau ra trường.

“Nghị định này có những điểm mới rất tích cực, nhưng để thực hiện tốt Bộ cần có hướng dẫn chi tiết hơn về cơ chế ràng buộc giữa người học và địa phương”, tiến sĩ Duy đề xuất.

Theo Hà Ánh/TNO