Thứ ba, 14/4/2020, 14h38

Các địa phương chưa tính cho học sinh đi học trở lại

Ngày mai là hết thời gian cách ly xã hội, nhưng nhiều tỉnh, thành chưa tính đến chuyện cho học sinh đến trường do Covid-19 còn phức tạp.

Ngày 14/4, ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, cho biết từ ngày 27/3 khi chưa có chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội, Sở đã có công văn cho toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ đến khi có thông báo mới. Hiện Sở chưa đặt vấn đề cho học sinh quay trở lại trường học vì khả năng lây lan Covid-19 ngoài cộng đồng rất lớn.  

"Để đưa ra quyết định cho học sinh đi học hay nghỉ, chúng tôi phải thảo luận với ngành y tế tỉnh, sau đó báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh. Trường hợp kiểm soát dịch tốt, không có khả năng lây lan, phụ huynh an tâm mới có thể tính chuyện cho học sinh đi học", ông Truyền nói và cho biết trước mắt Sở vẫn triển khai dạy học qua Internet, truyền hình để vừa đảm bảo kiến thức, vừa an toàn cho học sinh.

Dù Phú Thọ chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19, khả năng lây lan cộng đồng vẫn cao, vì giáp với Hà Nội, địa phương có 127 ca mắc Covid-19, nhiều nhất cả nước. Đặc biệt, một số bệnh nhân dương tính nCoV ở Hà Nội có lịch sử dịch tễ phức tạp như "bệnh nhân 243" ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.  

Trường Tiểu học Phan Đình Giót, Hà Nội, vắng học sinh từ đầu tháng 2 tới nay. Ảnh: Ngọc Thành.

Tương tự, Bình Thuận cũng chưa có kế hoạch cho học sinh trở lại trường. Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, cho biết sẽ đợi quyết định của Thủ tướng về việc có gia hạn cách ly xã hội hay không, sau đó chờ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch thi THPT quốc gia.

"Dù ngày mai hết hạn cách ly xã hội, chúng tôi chưa có ý định tham mưu cho UBND tỉnh cho học sinh trở lại trường vào tuần này hoặc tuần sau", ông Thái nói và giải thích hiện tình hình dịch bệnh ở Việt Nam chưa ổn. Qua tìm hiểu tâm lý của nhiều phụ huynh, ông nhận thấy bố mẹ chưa yên tâm cho con đi học. Nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang chờ đợi như Bình Thuận.

"Kể cả học sinh trong tỉnh đi học trở lại cũng không có nhiều ý nghĩa nếu đa số tỉnh khác tiếp tục cho nghỉ. Học sớm, kết thúc chương trình sớm cũng vẫn phải chờ cả nước rồi mới thi THPT quốc gia được. Thời điểm này rất khó để đưa ra phương án cho các em đi học", ông Thái bày tỏ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận nhận định nếu tỉnh tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới, số người nhiễm bệnh tại Việt Nam trong tầm kiểm soát, học sinh trong tỉnh có thể đi học vào đầu tháng 5. Lúc đó vẫn đảm bảo thời gian học và ôn tập để thi THPT quốc gia, nếu muộn kỳ thi khó đảm bảo chất lượng.

Bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam cũng đang chờ quyết định của Thủ tướng về việc cách ly xã hội và hướng dẫn của UBND tỉnh.

Do Hà Nam giáp Hà Nội, bà Lụa cho rằng tỉnh cần cân nhắc kỹ trước khi lên phương án đón học sinh trở lại trường. "Chúng tôi chưa xây dựng kế hoạch cho học sinh đi học vào tuần này và tuần sau, cần nghe ngóng và trao đổi thêm với các tỉnh khác", bà Lụa nói.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng chưa tính đến chuyện cho học sinh đi học do tình hình Covid-19 phức tạp, xuất hiện ổ dịch mới. Hơn nữa, việc giảng dạy qua Internet, truyền hình của thành phố đang dần đi vào ổn định, đáp ứng được việc tiếp thu, ôn luyện kiến thức của học sinh.  

"Việc học sinh nghỉ thêm ở thời điểm này cũng phù hợp với dự tính và khung thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo", ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, nói và cho hay trong hôm nay hoặc ngày mai, Sở sẽ xin ý kiến UBND thành phố về việc này.

Nhiều tỉnh thành khác cũng chưa bàn việc ra thông báo mới cho học sinh trở lại trường như Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Hôm 10-11/4, một số tỉnh, thành đã có công văn hỏa tốc cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới, như: Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.

Năm học 2019-2020, 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 (trong tổng số 35-37 tuần) thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Hiện hầu hết tỉnh thành cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học.  

Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử học sinh cả nước nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cắt giảm chương trình học, công nhận kết quả học trực tuyến, công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia.

Đến ngày 14/4, Covid-19 xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,9 triệu người nhiễm, gần 120.000 người chết. Tại Việt Nam, 265 người mắc Covid-19, chưa ai tử vong.  

Theo Dương Tâm - Thanh Hằng/Vnexpress