Thứ ba, 24/5/2022, 10h15

Các nước Baltic ngừng nhập điện Nga

Các nước Baltic hiện đã ngừng nhập khẩu điện từ Nga sau khi sàn giao dịch năng lượng châu Âu Nord Pool ngừng kinh doanh điện từ quốc gia này.

"Đây không chỉ là một bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với Lithuania trong hành trình hướng đến độc lập năng lượng, mà còn là hành động thể hiện sự ủng hộ dành cho Ukraine" – Bộ trưởng Năng lượng Lithuania Dainius Kreivys tuyên bố hôm 23-5.

Nhu cầu năng lượng hiện tại của Lithuania được đáp ứng thông qua nguồn cung nội địa và nhập khẩu từ Thụy Điển, Ba Lan và Latvia.

Theo Bộ trưởng Kreivys, Lithuania sẽ đạt được trạng thái độc lập năng lượng toàn diện khi mạng lưới điện của họ được đồng bộ với mạng lưới của Estonia, Latvia và phần còn lại của châu Âu đến năm 2025.

Mạng lưới điện của Lithuania, Estonia và Latvia hiện kết nối với mạng lưới BRELL do Moscow kiểm soát. Năm ngoái, điện của Nga chiếm 17% điện nhập khẩu của Lithuania, theo Công ty vận hành hệ thống truyền tải điện Litgrid (Lithuania).

Các nước Baltic ngừng nhập điện Nga - Ảnh 1.

Năm ngoái, điện của Nga chiếm 17% điện nhập khẩu của Lithuania. Ảnh: LRT

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 23-5 thông báo Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng đạt được thỏa thuận cấm vận dầu Nga "trong vài ngày tới".

Nhiều thành viên EU đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Hungary ngày 23-5 giữ vững yêu cầu đầu tư năng lượng bổ sung trước khi ban hành lệnh cấm vận, mâu thuẫn với những thành viên muốn thông qua lệnh cấm vận nhanh chóng.

Theo Reuters, EU đã đề xuất hỗ trợ 2,14 tỉ USD cho các nước Trung và Đông Âu thiếu nguồn cung không đến từ Nga.

"Chúng tôi sẽ đạt được bước đột phá trong vài ngày tới" – Bộ trưởng Habeck khẳng định với đài ZDF, đồng thời cho biết Ủy ban châu Âu và Mỹ đang làm việc song song về một đề xuất nhằm giới hạn giá dầu toàn cầu.

"Đây rõ ràng là một biện pháp khác thường nhưng chúng ta đang trải qua những quãng thời gian khác thường" – Bộ trưởng Habeck nói thêm.

Các nước Baltic ngừng nhập điện Nga - Ảnh 2.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Ảnh: Reuters

Theo Cao Lực/NLĐO