Thứ bảy, 27/2/2021, 10h52

Các vaccine COVID-19 bất ngờ lộ diện điểm yếu đáng ngại

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Sputnik V và Johnson & Johnson có khả năng bị vô hiệu hoá nếu tiêm chủng vaccine COVID-19 trở thành thường xuyên để chống biến thể virus.
Các vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ vector virus lộ điểm yếu đáng ngại nếu việc tiêm chủng trở thành thường xuyên.
Reuters đưa tin, các vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Sputnik V và Johnson & Johnson đều được phát triển dựa trên công nghệ vector virus. Theo đó, các nhà sản xuất sử dụng virus đã được can thiệp làm cho vô hại, đóng vai trò như một vector hay còn gọi là phương tiện trung gian, mang thông tin di truyền giúp cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, một nguy cơ có thể xảy ra là cơ thể con người sẽ phát triển khả năng miễn dịch với chính vector, nhận diện nó là kẻ xâm nhập và cố gắng tiêu diệt.
Phần lớn các nhà phát triển vaccine COVID-19 theo công nghệ vector virus lựa chọn sử dụng virus adeno - một loại virus cảm lạnh thông thường vô hại.
Giáo sư Bodo Plachter, Phó Giám đốc viện Virus học tại Đại học Mainz (Đức) cho biết: ''Theo kinh nghiệm trong nhiều năm về virus adeno, các vector có thể bị hệ thống miễn dịch vô hiệu hoá sau mũi tiêm nhắc lại. Các loại vector khác cũng gặp vấn đề tương tự. Chỉ có phương pháp 'thử và sai' mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác''.
Thực tế này khiến vaccine công nghệ vector có nhiều bất lợi hơn so với các mũi tiêm công nghệ mRNA của Pfizer và Moderna, vaccine sử dụng virus corona bất hoạt của Sinovac hoặc protein đột biến bề mặt của virus corona theo cách tiếp cận của Novavax.
Miễn dịch của vaccine công nghệ vector không phải là một vấn đề mới nhưng đã được giám sát kỹ lưỡng khi các hãng vaccine, bao gồm cả Johnson & Johnson, dự đoán việc tiêm chủng COVID-19 sẽ trở thành thường xuyên tương tự tiêm phòng cúm hàng năm để chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Trong các tuyên bố riêng trong tuần này, Moderna cũng như Pfizer và đối tác BioNTech cho biết đang nghiên cứu các mũi tiêm tăng cường nhắc lại nhằm vào các biến thể mới.
Ngay cả khi không xảy ra trường hợp đột biến, vẫn chưa rõ liệu bộ nhớ miễn dịch do vaccine tạo ra cuối cùng có bị suy yếu hay không, nếu có đòi hỏi phải tiêm vaccine nhắc lại.
Các nhà khoa học thừa nhận không có kết luận chính xác nào có thể được khẳng định về tác động cuối cùng của miễn dịch vector.
Mặc dù vấn đề cuối cùng có thể sẽ được giải quyết nhưng các nhà hoạch định chính sách y tế vẫn đang phải vật lộn với câu hỏi triển khai loại vaccine nào và theo trình tự nào, trước khi tới thời điểm cần tiêm chủng nhắc lại.
PHƯƠNG LINH (theo laodong)