Thứ tư, 19/1/2022, 11h18

Cách dạy độc lạ của các ‘cô giáo TikTok’

Bên cạnh giờ học truyền thống, nhiều giáo viên văn chọn sáng tạo cách dạy mới để ‘mở lớp’ trên TikTok, thu hút hàng triệu lượt yêu thích.

Thời điểm dịch bệnh phức tạp, học sinh không thể đến trường, giáo viên buộc phải số hóa bài giảng để dạy học trực tuyến. Sau thời gian dài thích ứng, nhiều thầy cô khi đã tự tin làm chủ công nghệ, dần “chuyển mình” thành những nhà sáng tạo nội dung, đưa kiến thức từ bục giảng lên các nền tảng mạng xã hội gần gũi với học trò.

Dạy văn bằng “công thức”

Đầu tháng 1.2021, thạc sĩ Lê Trần Diệu Thu (27 tuổi, giáo viên ngữ văn Trường CĐ Xây dựng công trình đô thị, Hà Nội) lần đầu đăng tải bài giảng lên TikTok chia sẻ mẹo làm văn nghị luận xã hội. Cô Thu không ngờ chỉ vài ngày sau, video trở thành “cú hích” với một triệu lượt xem. Tròn một năm sau, kênh TikTok của cô cán mốc hơn 600.000 lượt theo dõi, trở thành điểm đến hàng đầu của những bạn trẻ muốn học tốt môn văn.

Theo thạc sĩ Thu, thành công này đến từ phương pháp dạy học mới mà cô đã nghiên cứu, phát triển từ những năm đại học. Không đi theo lối mòn “đọc - chép” như truyền thống, nữ giáo viên này xác định dạy văn bằng “công thức”, một cách làm mà khi vừa nghe tên sẽ dễ hiểu nhầm là “bóp chết” không gian sáng tạo của học sinh.

Cách dạy độc lạ của các ‘cô giáo TikTok’ - ảnh 1

Thạc sĩ Diệu Thu chia sẻ trong những video mới nhất, cô vừa trang trí thêm “đèn led TikTok” để làm nổi bật nền phía sau và bắt kịp xu hướng của giới trẻ. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH TIKTOK

“Về bản chất, việc tôi làm là 'công thức hóa' dàn ý bài văn, đưa ra cách triển khai chuẩn mực mà học sinh nào cũng có thể áp dụng. Như khi viết văn có mở, thân và kết bài, thì tôi hướng dẫn những ý các em cần phải có ở từng phần”, cô phân tích và cho biết thêm dựa trên công thức đã cung cấp, học sinh có nhiều cách sáng tạo khác nhau, tùy vào vốn từ và khả năng diễn đạt của từng em chứ không phải “đóng khung” như văn mẫu.

“Công thức” triệu lượt xem

Nội dung thu hút nhất trong các video của cô Thu là những “công thức” có thể áp dụng nhanh cho nhiều trường hợp, giúp rút ngắn thời gian ghi nhớ cho học sinh. Dưới đây là một ví dụ mở bài thu hút triệu view có thể được áp dụng cho tất cả tác phẩm thơ mà nữ giáo viên từng hướng dẫn:

Chế Lan Viên từng nói rằng: “Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi. Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang”. Quả đúng như chia sẻ của mình, nhà thơ ABC đã không ngừng nhặt lấy chữ của đời để dệt nên những câu thơ neo đậu cảm xúc mãi trong lòng người đọc thông qua tác phẩm XYZ.

Thạc sĩ Thu kể cô từng chứng kiến học trò mỗi lần có thời gian rảnh lại lướt mạng và chia sẻ video nhảy nhót nhưng lại ít quan tâm đến nội dung về giáo dục. “Thế nên, tôi nghĩ cách để bài giảng cuốn hút hơn và tham gia một cộng đồng có nhiều người trẻ nhất để gần gũi với các em”, cô Thu chia sẻ lý do chọn nền tảng TikTok làm nơi truyền đạt kiến thức.

Để tối ưu hóa bài giảng cho phù hợp với môi trường video ngắn, thạc sĩ Thu quyết định chọn lọc và cô đọng kiến thức, chỉ đưa ra cách làm mà không truyền tải cả bài văn dài. Theo cô, thời gian dạy trực tuyến kéo dài dễ khiến học sinh mất tập trung và cảm thấy nhàm chán nên video phải trở thành điểm nhấn, hướng thẳng các em vào vấn đề cần quan tâm.

Cách dạy độc lạ của các ‘cô giáo TikTok’ - ảnh 2

Không chỉ đón nhận ủng hộ trên mạng, thạc sĩ Diệu Thu cũng được học sinh tại trường ưu ái đặt biệt danh là “cô giáo TikTok”. NVCC

“Trực quan hóa” bài học văn

Thạc sĩ Đặng Thị Kiều Oanh (40 tuổi, giáo viên ngữ văn Trường Quốc tế Quy Nhơn và một trường THPT tại Quy Nhơn) cũng “mở lớp” trên TikTok từ hồi tháng 4.2021. “Tôi hy vọng các em sẽ cảm thấy gần gũi, yêu thích môn văn hơn thông qua những bài giảng đơn giản, không nặng nề như học thật”, thạc sĩ Oanh chia sẻ về động lực dấn thân dù không giỏi công nghệ.

Theo thạc sĩ Oanh, sự đầu tư vào nội dung chuyên môn giúp cô sở hữu gần 120.000 lượt theo dõi trên TikTok. Là giáo viên đứng lớp từ khối lớp 7 - 12, cô luôn cập nhật xu hướng ra đề mới nhất, từ đó truyền tải nội dung thi trọng tâm vào video.

Cách dạy độc lạ của các ‘cô giáo TikTok’ - ảnh 3

Nhằm giải quyết yếu tố công nghệ, thạc sĩ Kiều Oanh đã hoạt động với ekip gồm những bạn trẻ để cùng sáng tạo nội dung. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH TIKTOK

Cô Oanh cho biết: “Hướng đi chính của tôi là kỹ năng. Tôi dạy điều học sinh cần chứ không dựa trên những gì các em có. Đó là kỹ năng khơi gợi sự sáng tạo hay xử lý những dạng bài khác nhau, giúp học sinh không bị cứng nhắc khi làm văn”.

Bên cạnh yếu tố nội dung, nữ giáo viên này cho biết cũng cần trực quan hóa bài giảng để học sinh thích thú khi xem video. Mỗi video đăng tải của cô luôn lồng ghép những thước phim minh họa nội dung đang diễn đạt hay "meme" (có thể hiểu là một biểu tượng về mặt văn hóa hoặc một ý tưởng nào đó được lan truyền trên mạng) hài hước phổ biến trên mạng xã hội. Ngoài ra, cô đã phải thay đổi liên tục từ trang phục, biểu cảm đến cách biên tập video cho đến khi tìm ra hướng đi tối ưu.

“Bắt trend cũng là cách giúp học sinh cảm thấy gần gũi hơn, nhưng phải làm sao cho trào lưu đó hòa hợp tự nhiên với bài giảng, chứ không được khô cứng”, thạc sĩ Oanh nói, đồng thời cho biết video “Cách nào mang điểm về cho mẹ?” (bắt trend “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu) với nội dung hướng dẫn trọng tâm ôn thi học kỳ 1 là một trong những sản phẩm thu hút nhất của cô.

“Không thể thay thế bài trên lớp”

Đang trong những ngày thi cuối kỳ 1, bên cạnh học thuộc lòng hàng chục trang giấy phân tích đã chép trên lớp, Lâm Vĩnh Hồng (học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) chọn lướt TikTok để ôn thêm cách làm văn.

“Những vấn đề nhỏ trong video giúp em dễ nhớ hơn và có nhiều mẹo độc đáo để bài văn thêm truyền cảm. Nhưng điều này không thể thay thế hoàn toàn bài học trên lớp, vì em cần đảm bảo đủ luận điểm cô đã giảng mới đạt được kết quả như ý”, nam sinh chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, Trần Trọng Đoàn (học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - thành viên đội tuyển học sinh giỏi văn quốc gia) cho rằng các video chỉ mang hướng gợi mở, còn việc cảm thụ và đào sâu tác phẩm thì cần học sinh tự làm việc nhiều hơn với văn bản và những nguồn tư liệu khác.

Cách dạy độc lạ của các ‘cô giáo TikTok’ - ảnh 4

Với thâm niên 17 năm trong nghề, những video của thạc sĩ Kiều Oanh có hàm lượng kiến thức cao, cập nhật xu hướng ra đề mới nhất. NVCC

Đoàn nhận xét: “Lợi ích khi học trên nền tảng TikTok là sự nhanh, gọn và súc tích. Tuy nhiên, chính vì trong thời gian có hạn, phần nội dung truyền tải bị hạn chế, dễ tạo tâm thế lười suy nghĩ”.

Mặt khác, Vũ Hương Giang (học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong - từng đạt huy chương bạc môn văn tại Olympic truyền thống 30/4) cho biết tuy tính ngắn gọn của video có thể ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng cảm thụ nội dung nhưng bài giảng văn trên TikTok giúp mang lại không gian gần gũi và những tư liệu thời sự mới nhất dưới góc nhìn văn chương. “Em tin sẽ có thêm nhiều giáo viên dạy học trên nền tảng này trong tương lai”, nữ sinh nói.

Theo Ngọc Long/TNO