Thứ tư, 4/12/2019, 09h58

Cải lương không chỉ ở "thánh đường" nhà hát

Chương trình "Câu chuyện cải lương Thật và Đẹp" do Hội đồng Anh tổ chức tại đường sách vừa kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn gợi lên vài điều suy nghĩ…

Điểm nhấn mạnh nhất và cũng thú vị nhất được mọi người chờ mong chính là buổi diễn với 8 trích đoạn hấp dẫn: "Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến", "Tiếng hạc trong trăng", "Bạch Hải Đường", "Hạng Võ biệt Ngu Cơ", "Sông dài", "Nhụy Kiều tướng quân", "Chuyện cổ Bát Tràng", "Tình mẫu tử". Nói thật, tôi đã xem không ít lần những tác phẩm này nhưng vẫn thấy thú vị. Các bạn trẻ ngồi kín khoảng 150 ghế, chưa kể hơn 50 bạn khác kể cả du khách nước ngoài, đứng phía sau, hầu như họ không bỏ về, xem gần trọn vẹn chương trình. Nhiều tràng pháo tay vang lên, cùng những tiếng xuýt xoa. Khi tôi hỏi thăm các bạn trẻ, mới nghe tâm sự: "Lần đầu tiên em đi xem cải lương. Thú vị thiệt đó!". Hoặc: "Em cũng biết cải lương nhưng không rảnh đi xem, bữa nay gặp dịp được xem, thích quá".

Những khán giả lớn tuổi cũng thích thú ra mặt, vì hình như khá lâu rồi họ không có cơ hội đến rạp để xem diễn cải lương trực tiếp. Một bác nói: "Một buổi thôi mà ôn lại nhiều tuồng mình biết hồi xưa, cũng hay. Có tuồng mình không biết, như "Chuyện cổ Bát Tràng", xem vẫn hiểu. Quan trọng là ca diễn của nghệ sĩ".

Các trích đoạn này đa số do nghệ sĩ trẻ biểu diễn hoặc nhiều nghệ sĩ không phải là "sao" nhưng họ vẫn đạt sự chuyên nghiệp nhất định, vẫn làm hài lòng khán giả.

Chợt nghĩ, tại sao cải lương lại không thể hát miễn phí như thế này? Đã từng tranh cãi về mô hình cải lương miễn phí, gút lại vẫn có hai điểm quan trọng: sợ cải lương bị rẻ rúng, sợ các đơn vị xã hội hóa không bán được vé. Nhưng từ buổi diễn ở đường sách kiểu này, tôi nghĩ khác đi. Cải lương đang sợ nhất là không có khán giả trẻ, vậy thì tại sao không tiếp cận họ? Họ chưa biết, chưa yêu cải lương, sao bảo họ mua vé vài trăm ngàn đồng, hoặc bạc triệu vào xem trong nhà hát được? Họ phải được nếm thử vị ngọt của cải lương trước đã. Một chút xíu lung linh của cải lương ở sân khấu đường sách có thể cho họ cảm giác thích thú để tìm đến thưởng thức cải lương ở nhà hát sau này.

Nhất Thanh và Thi Hoa trong trích đoạn “Nhụy Kiều tướng quân”. Ảnh: Hoàng Kim

Cũng đừng quá thần thánh cải lương khi cho nó chỉ xứng đáng diễn trong "thánh đường" nhà hát. Nói thật, hôm xem diễn ở đường sách, trên sân khấu rất nhỏ, phông màn đơn giản, ghế ngồi bằng nhựa nhưng khán giả ở đây im phăng phắc. Không khí ấy còn trang nghiêm hơn so với những buổi diễn trong nhà hát mà tôi có dịp xem hiện nay.

Cũng đừng lo sợ làm cải lương miễn phí như vậy sẽ ảnh hưởng doanh thu của các đơn vị kinh doanh. Bởi ở đây không có ngôi sao, chẳng thể cạnh tranh nổi với các chương trình bán vé bằng tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng. Đời sống của nghệ thuật cải lương đa dạng lắm, phân khúc khách hàng cũng khác nhau, mỗi đối tượng khán giả tìm đến mỗi dạng thức sân khấu phù hợp, đừng cắt bỏ phần nào cả.

Lý do cải lương miễn phí như ở đường sách có hy vọng tồn tại, tất nhiên là do không tốn tiền vé. Học sinh, sinh viên, ông già bà lão, người hưu trí là những đối tượng thu nhập thấp, cũng cần được hỗ trợ hưởng thụ văn hóa. Giờ giấc trình diễn ở đây rất lý tưởng, bắt đầu 18 giờ, vãn hát khoảng 20 giờ, rất thoải mái và an toàn cho người ở xa, người lớn tuổi, người phải ở nhà trọ không được về khuya...

Quan trọng nữa là sân khấu này cũng tạo điều kiện cho nghệ sĩ trẻ được làm nghề. Đoàn hát không có, đơn vị tư nhân cũng toàn chọn "sao", người trẻ rất khó khăn hoạt động. Tạo sàn diễn cho họ chính là nuôi dưỡng tài năng, vì có làm nghề thường xuyên thì mới rèn luyện, phát triển. Hãy nâng niu những nụ hoa vừa hé kia, chắc chắn sau này cải lương sẽ gặt hái những mùa bội thu!

Theo Hoàng Kim/NLĐO