Thứ sáu, 21/5/2021, 12h33

Cán bộ, công chức nên về thẳng nhà sau giờ làm việc

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM với các sở ngành, TP.Thủ Đức và các quận huyện, diễn ra sáng 21-5.


Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (Ảnh: TTBC)

Tại cuộc họp, các sở ngành, TP.Thủ Đức và các quận huyện đã báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn trong những ngày qua. Nhìn chung, công tác phòng chống dịch tại các địa phương diễn ra nghiêm túc, kịp thời. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra an toàn, các sở ngành, địa phương cũng đã xây dựng phương án phòng chống dịch sát sao.

Tuy nhiên, sau khi xảy ra 4 trường hợp mắc Covid-19 trong ngày 20-5 tại quận 3 và quận Gò Vấp đều liên quan đến các quán ăn nhỏ, các địa phương đề xuất cho dừng tạm thời hoạt động kinh doanh loại hình quán ăn này trong thời gian đợi kết quả các mẫu xét nghiệm và thời gian diễn ra cuộc bầu cử. Hoặc có thể yêu cầu bán dưới hình thức mang đi, bán qua mạng nhằm hạn chế lây nhiễm. Hơn nữa, thời điểm này lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh phải kiêm thêm công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử nên khó có thể kiểm soát toàn diện.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP đồng ý trước đề xuất của các địa phương, đồng thời yêu cầu qua dữ liệu camera phạt nguội hàng quán nào vi phạm công tác phòng chống dịch. Khuyến khích hàng quán bán dưới hình thức mang đi, bán qua mạng. Đối với các nhà hàng, khách sạn ăn uống trong điều kiện lao động 10 người trở lên phải áp dụng biện pháp giãn cách, tập trung không quá 20 người. Một số hoạt động kỷ niệm nên dời lại.

“Sự việc xảy ra cho thấy vẫn còn tình trạng không chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn dẫn đến ảnh hưởng tới cộng đồng. Việc kiểm soát dịch bệnh ở những hàng quán nhỏ thực sự không dễ dàng, chưa kể những người lui tới ăn uống nếu chẳng may gặp sự cố nhưng không phải ai cũng khai báo y tế”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương khuyến khích người dân không nên ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết. Từng người dân phải có trách nhiệm với sức khỏe bản thân. Bảo vệ sức khỏe chính mình chính là bảo vệ sức khỏe người thân và cộng đồng.

Đặc biệt, đối với cán bộ, công chức, viên chức, Chủ tịch UBND TP yêu cầu sau giờ làm việc nên về thẳng nhà, không la cà, hạn chế tối đa đến hàng quán ăn uống. Người đứng đầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để nhân viên của mình lây nhiễm bệnh do la cà ngoài giờ. “Nói về mặt xã hội, người dân đang quan sát, nhìn vào cấp lãnh đạo chấp hành quy định phòng chống dịch như thế nào, vì thế cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu. Hơn nữa, chẳng may xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng đến cả bộ máy đơn vị, có thể phải đóng cửa hoạt động", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, liên tiếp 7 ngày cả nước ghi nhận hơn 100 trường hợp mắc mới mỗi ngày, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy TP.HCM. Bình tĩnh xử lý, tập trung cao độ từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút vì chủ quan. Phải xác định phòng chống dịch hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, khẩn cấp. Tất cả cùng hành động vì sức khỏe người dân, duy trì cảnh giác cáo trong từng ngành, từng địa phương.

Còn 2 ngày nữa diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch trước, trong, sau bầu cử. Bên cạnh xây dựng phương án phòng chống dịch còn phải chú ý những nơi bị phong tỏa, có báo cáo kịp thời đến Ủy ban Bầu cử TP để tìm phương án giải quyết.


Toàn cảnh cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM với các sở ngành, TP.Thủ Đức và các quận huyện (Ảnh: TTBC)

Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao nhiệm vụ cụ thể đến một số sở ngành. Trong đó, giao Sở Thông tin Truyền thông TP phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyên trong nhân dân việc nhận diện thông tin giả mạo, tránh gây hoang mang dư luận. Công an TP tiếp tục nắm bắt dư luận, kiểm tra, kiểm soát nguồn phát tán tin giả, xử lý đúng quy định pháp luật, không để lan truyền trong thời gian tới. Tiếp tục kiểm soát tình trạng nhập cảnh trái phép, xử lý nghiêm trường hợp không khai báo y tế. Đối với Sở Y tế, đẩy mạnh truy vết các ca nhiễm trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp…

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin, hiện thế giới ghi nhận 165.549.323 người mắc bệnh; 3.431.495 người tử vong.

Tại Việt Nam có 4.653 người mắc bệnh, đã điều trị khỏi 2.687 người, 38 người tử vong, 1.928 người đang điều trị. Tính từ ngày 27-4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.721 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 30/63 tỉnh, thành gồm: Hà Nội (263), Bắc Ninh (367), Bắc Giang (644), Vĩnh Phúc (88), Đà Nẵng (147), Hưng Yên (30), Hà Nam (33), Thái Bình (17), Hải Dương (20), Lạng Sơn (22), Hòa Bình (7), Huế (5), Nam Định (6), Quảng Nam (3), Quảng Trị (3), Đắk Lắk (3), Điện Biên (42), Quảng Ninh (1), Đồng Nai (1), Hải Phòng (2), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1), Thanh Hóa (2), TP.HCM (3), Yên Bái (1), Sơn La (1), Phú Thọ (4), Tuyên Quang (1), Ninh Bình (2); Thái Nguyên (1).

Tại TP.HCM, ngày 20-5 có 4 người mắc bệnh trong cộng đồng, trong đó có 3 người ở quận 3 và 1 người ở quận Gò Vấp. Tính đến nay, có 276 người phát hiện mắc bệnh tại TP.HCM, đã điều trị khỏi 257 người, 19 người dương tính mới đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến, sức khỏe đều ồn định. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng đang điều trị 1 trường hợp nặng chuyển viện từ An Giang.

Trong số 276 người phát hiện mắc bệnh tại TP.HCM có 74 người nhiễm trong cộng đồng, 198 người nhập cảnh, 4 người lây trong khu cách ly.

Nguyễn Trinh