Thứ ba, 5/11/2019, 20h30

Cần lên án thói vô cảm

Bạo lực học đường ngày càng diễn biến phức tạp từ nhiều khía cạnh: phụ huynh đánh, xúc phạm giáo viên; giáo viên bạo lực với học sinh; học sinh bạo lực với giáo viên; học sinh bạo lực với nhau trong và ngoài nhà trường… Điều đó khiến cho ngành giáo dục ngày càng xám xịt. Để có một trường học thực sự hạnh phúc không phải là điều dễ thực hiện khi nạn bạo lực vẫn đang âm ỉ diễn ra. Cụ thể, chỉ trong tháng 10-2019 đã xảy ra nhiều vụ bạo lực ở một số tỉnh/thành. Nỗi buồn này chưa kịp lắng xuống thì nỗi đau khác lại xảy ra. Khi xem các clip học sinh đánh nhau, không ít người đã phẫn nộ với thói vô cảm của những người đứng xung quanh. Có thanh niên lại cười vui trước hình ảnh này. Thật khó hiểu vô cùng!

Còn học sinh, nếu đề kiểm tra, đề thi ra với câu hỏi: “Suy nghĩ của em về tình trạng bạo lực học đường hiện nay”, chắc chắn các em sẽ viết... rất hay. Theo đó, các em sẽ thể hiện trong bài viết của mình về nỗi buồn, lên án và sẵn sàng “hành động” chống bạo lực học đường... Các em sẽ đạt được điểm cao từ bài viết. Thế nhưng, trước thực tế, các em đã hành động ngược lại với nội dung bài viết ấy. Những bạn cùng lớp, cùng trường lại vô tư hò hét, cổ vũ, chẳng khác nào nơi đây đang diễn ra một sân chơi thú vị, kịch tính. Đau lòng thay!

Trước đây đã có rất nhiều clip ghi lại cảnh bạo lực học đường, và những người đứng xung quanh cũng thờ ơ, vô cảm dùng điện thoại ghi lại, coi như chuyện bình thường. Tưởng rằng, những việc tương tự sẽ không còn lặp lại, thế nhưng... Với những người chứng kiến các vụ bạo lực, xin hãy soi lại mình. Hãy biết ngượng, biết xấu hổ trước sự vô cảm của bản thân. Với học sinh, hãy soi lại sự thờ ơ và kích động thêm cho bạo lực, cho tội ác.

Nhà trường cần có biện pháp kỷ luật, giáo dục không chỉ với các học sinh tham gia bạo lực mà còn với những học sinh vô cảm đã hò hét, cổ vũ.

Thái Hoàng